Dưới góc độ pháp lý, việc nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận là trái với quy định của pháp luật. Bởi Khoản 16 điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Tuy nhiên, do chủ quan tin tưởng người thân, bạn bè, lại mong muốn mua được nhà với giá rẻ nên nhiều người vẫn đánh liều, nhờ người khác đứng tên mua hộ bất động sản. Trong trường hợp không có hợp đồng, thỏa thuận chặt chẽ trước đó, việc nhờ người đứng tên mua nhà hộ này rất có thể dẫn đến những rủi ro sau:
Thứ nhất, chủ nhà thực sự sẽ không có quyền định đoạt bất động sản, dù nó được mua bằng chính nguồn tiền của mình. Mọi giao dịch liên quan đến bất động sản đó đều phải thông qua người đứng tên. Không loại trừ trường hợp người đứng tên lạm dụng quyền hạn này để chiếm đoạt tài sản một cách trắng trợn.
Thứ hai, nếu người đứng tên trên sổ đỏ qua đời thì bất động sản đó theo quy định sẽ là di sản của người đã mất và được chia thừa kế. Rắc rối hơn là những người nhận thừa kế lại không thừa nhận có việc nhờ đứng tên trước đó.
Thứ ba, nếu người đứng tên hộ nhà đất ly hôn trong khi vẫn chưa đổi quyền sở hữu sang cho chủ thực sự, chồng/vợ của người đó lại yêu cầu chia tài sản chung phát sinh trong thời kỳ hôn nhân thì nhà đất được nhờ đứng tên đương nhiên sẽ bị chia đôi.
Việc nhờ người đứng tên mua nhà giùm tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Ảnh minh họa
Như vậy, có rất nhiều tình huống xấu có thể xảy ra khi khách hàng nhờ người khác đứng tên mua nhà, đất. Nếu không chứng minh được là chủ sở hữu nhà thật sự, đương nhiên người chủ thực sự sẽ không được công nhận quyền sở hữu nhà dẫn đến mất trắng tài sản do mình bỏ tiền ra mua. Ngay cả trong trường hợp họ chứng minh được mình là chủ sở hữu nhà thật sự thì cũng chịu nhiều thiệt hại về thời gian và tiền bạc trong thời gian tranh chấp.
Vậy làm sao để hạn chế tối đa rủi ro khi nhờ người đứng tên mua hộ nhà đất, TinNhaDatVN.Com sẽ chỉ ra 4 kinh nghiệm cơ bản cần lưu ý dưới đây:
- Phải đưa ra nội dung thỏa thuận rõ ràng đối với người được nhờ đứng tên hộ. Tốt nhất là nên soạn thảo các nội dung thỏa thuận giữa hai bên thành văn bản và đến văn phòng công chứng để chứng thực. Lúc này, người công chứng viên có thể góp ý thêm một số nội dung cho hợp pháp để văn bản không bị vô hiệu hóa trước pháp luật.
- Lưu lại những bằng chứng chứng minh việc nhờ người đứng tên hộ như: các hóa đơn, chứng từ chứng minh mình là chủ sở hữu thực sự của bất động sản, xác nhận giao dịch chuyển tiền của ngân hàng, ghi âm cuộc trò chuyện giữa hai bên...
- Giữ toàn bộ giấy tờ đăng ký sở hữu tài sản sau khi đã hoàn tất quá trình giao dịch mua bán.
- Nếu nhận thấy bên được nhờ đứng tên có dấu hiệu muốn chiếm đoạt tài sản, cần làm ngay đơn gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.
Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2020/02/03/rui-ro-kho-luong-khi-nho-nguoi-dung-ten-mua-nha-gium
Linh Phương (TH)