Khi mua căn hộ chung cư, dù là mua lần đầu hay lần thứ hai, thứ ba thì hầu như ai cũng háo hức mong chờ đến ngày nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên, đừng vì quá nôn nóng nhận nhà mà bỏ qua các bước kiểm tra căn hộ thật kỹ càng nhằm đảm bảo ngôi nhà được hoàn thiện đúng như cam kết trong hợp đồng, cũng như kịp thời phát hiện sai sót để yêu cầu sửa chữa ngay, tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang" sau khi vào ở.
Những kinh nghiệm nhận bàn giao căn hộ chung cư dưới đây đặc biệt hữu ích với những ai còn đang bỡ ngỡ chưa biết kiểm tra những hạng mục, thiết bị nào và cách thức tiến hành ra sao.
Dụng cụ chuẩn bị
- Thước nhôm thẳng, dài khoảng 1,5m
- Thước dây 7m
- Thước thủy
- Đèn pin
- Tô vít loại nhỏ
- Bút thử điện, đèn ngủ cắm tường hoặc sạc điện thoại
- Xô nhỏ
- Bản vẽ mặt bằng căn hộ
- Bút mực
Ngoài ra, người mua nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản vẽ hệ thống điện nước và danh sách nội thất căn hộ để tiện kiểm tra.
Các hạng mục cần kiểm tra
1. Kiểm tra hệ thống điện, viễn thông
Khu vực bảng điện trung tâm thường được bố trí ngay gần cửa chính của căn hộ, trong đó có 01 aptomat (cầu dao) tổng và các aptomat kiểm soát hệ thống đèn chiếu sáng, ổ cắm… Người mua cần kiểm tra số lượng aptomat có đủ không, các aptomat phải ở tình trạng giật xuống là tắt, kéo lên là bật.
- Kiểm tra đèn chiếu sáng: Bật cầu dao tổng, bật cầu dao đèn, bật tất cả các công tắc đèn tại các khu vực phòng khách, phòng ngủ, khu vực bếp, nhà vệ sinh và logia. Bật tắt 3 lần liên tục, nếu các đèn đều sáng đều, không nháy, chủng loại như trong bảng mô tả, công tắc dễ bật/tắt là đạt yêu cầu. Ngoài ra, cũng nên để ý xem các bóng đèn có bị nứt, vỡ hay bị sơn che phủ hay không?
- Bật tất cả các cầu dao khác, dùng đèn ngủ, bút thử điện hoặc sạc điện thoại cắm từng ổ để đánh giá tình trạng có điện của các ổ cắm. Yêu cầu các ổ cắm phải mất điện khi đóng aptomat, nếu ổ nào có điện tức là đấu nhầm. Kiểm tra cách bố trí ổ điện có hợp lý không, nếu chưa hợp lý có thể yêu cầu bố trí lại.
- Với đầu mạng, tivi do chưa có thiết bị nên chưa kiểm tra được, người mua chỉ có thể kiểm tra xem các vị trí đó đã có sẵn đầu chờ chưa.
Kiểm tra tình trạng có điện của các ổ cắm bằng bút thử điện hoặc sạc điện thoại.
Đối với căn hộ có thêm máy hút mùi, bếp điện, điều hòa, bình nóng lạnh trong tiêu chuẩn bàn giao thì người mua cũng cần kiểm tra chức năng của từng thiết bị.
- Kiểm tra hệ thống hút mùi: Xé một tờ giấy hoặc châm điếu thuốc lá, hít một hơi rồi phả khói gần quạt để theo dõi tốc độ hút.
- Kiểm tra hệ thống điều hòa: Với hệ thống điều hòa, bạn cần đếm số lượng điều hòa, số lượng cục nóng và xác định xem điều hòa có mát không, có hoạt động ổn định, có bị rò nước hay đường ống có nhô ra ngoài gây mất thẩm mỹ không?
- Kiểm tra an toàn bình nóng lạnh: Người mua cần kiểm tra thêm phần đường ống và xem đường điện đã có dây mát chống giật hay chưa?
- Cuối cùng, dùng bút thử điện kiểm tra ngẫu hứng trên tường, khu vực xung quanh ổ điện và công tắc xem có tình trạng rò điện không?
2. Kiểm tra hệ thống nước
Hệ thống nước tập trung ở khu vực bếp, phòng vệ sinh, khu vực ban công, logia, khu giặt phơi.
- Hệ thống cấp nước: Kiểm tra hệ thống cấp nước bằng cách mở các đầu cấp, các vòi nước xem có nước không? Áp lực nước có quá mạnh hay quá yếu không? Kiểm tra các vòi xịt, vòi hoa sen có bị rò rỉ không và kiến nghị sửa chữa, thay thế nếu cần.
- Hệ thống thoát nước: Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ hệ thống thoát nước có đảm bảo không? Bơm đầy nước vào xô và đổ ra sàn vệ sinh, sàn ban công hay logia xem khả năng thoát nước có tốt không? Nước bị đọng trên sàn có thể do lát độ dốc không chuẩn hoặc do lỗ thoát bị tắc.
- Chống thấm: Kiểm tra các vị trí tường, nhất là chân tường vệ sinh, ban công, logia và hộp kỹ thuật xem có hiện tượng thấm không?
3. Kiểm tra tường, trần
Về phần thô của căn hộ, kiểm tra tường, trần có bị nứt, loang lổ không? Nếu phát hiện thấy hiện tượng nứt, phải yêu cầu xử lý ngay tránh hiện tượng thấm nước làm hỏng tường và nội thất bên trong.
Sơn tường, trần phải đồng màu, không loang lổ, hay bị xước. Kiểm tra kỹ tại các vị trí quanh công tắc, quanh ổ điện, miệng điều hòa, quạt gió.
Tường nhà bị nứt cần được xử lý kịp thời nếu không sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong sinh hoạt hàng ngày.
Để kiểm tra độ phẳng của tường, hãy dùng thước nhôm áp lên tường và nhìn qua khe hở giữa tường và thước. Tắt đèn và dùng đèn pin soi từ phía ngược lại xem ánh sáng lọt qua để dễ dàng xác định được mức độ bằng phẳng của tường. Đặc biệt, nên kiểm tra kỹ lưỡng ở cao độ khoảng 1,5-1,8m vì đây là chỗ giáp lai giữa hai tầm giáo nên thường bị lỗi nhất.
4. Kiểm tra sàn
Dù là sàn gạch hay sàn gỗ đều không được có vết nứt, vết ố do sơn, vôi, vữa hoặc do hóa chất gây ra.
Với phần sàn gỗ:
Kiểm tra toàn bộ bề mặt sàn xem có chỗ nào phồng, rộp không, đặc biệt tại các vị trí cạnh tường, góc nhà, gần cửa. Nếu phát hiện lỗi, yêu cầu sửa chữa, thay thế. Đi lại trên sàn nhiều lần, có thể nhún trên sàn xem sàn có chắc chắn không.
Ván gỗ lát sàn phải đều màu, kiểm tra kỹ lớp vân phủ bề mặt và yêu cầu thay mới khi phát hiện xước, lỗi. Có thể sử dụng thước nhôm kết hợp đèn pin để kiểm tra độ bằng phẳng của sàn giống như kiểm tra tường, nếu thấy không phẳng thì yêu cầu sửa lại. Kiểm tra khe hở giữa hai tấm gỗ và yêu cầu sửa lại khi phát hiện khe hở lớn.
Nẹp chân tường phải đồng màu, vị trí đấu nối đầu nẹp phải bằng phẳng, không lộ rõ vết đinh trên mặt nẹp. Thông thường, khoảng cách giữa các đoạn nối là 1,5-2m. Tại vị trí tiếp giáp giữa nẹp chân tường và sàn gỗ không được có khe hở khi nhìn theo mặt phẳng ngang hay mặt đứng. Nếu hở mặt bằng thì có nghĩa là sàn gỗ bị hụt, còn hở mặt đứng là nẹp chân tượng bị cong hoặc lẹm.
Phần gạch ốp:
Với phần gạch ốp, yêu cầu các mạch phải thẳng, sắc nét, đều nhau. Toàn bộ bề mặt gạch phải không còn vữa, bột trét mạch hay các vết ố bẩn. Công tác kiểm tra phần gạch ốp bao gồm: Kiểm tra độ phẳng mặt ốp bằng thước kết hợp đèn pin, kiểm tra độ đồng đều của gạch về kích cỡ, màu sắc, hoa văn, kiểm tra độ đặc chắc và bám dính vào nền ốp bằng cách gõ nhẹ lên bề mặt gạch.
5. Kiểm tra cửa ra vào và cửa sổ
Đừng bỏ qua khâu kiểm tra cửa chính và cửa sổ các phòng khi nhận bàn giao căn hộ chung cư. Yêu cầu các cánh cửa phải lắp thẳng, kiểm tra bằng cách mở cửa khoảng 45 độ, khi đó cửa không được tự đóng hoặc tự mở. Lưu ý, bản lề cửa phải được đúc chìm vào trong khuôn, không bị xước hay dính sơn PU, các đầu vít không bị toét. Các cánh cửa phải cách sàn 5mm để đóng mở dễ dàng, cách khuôn không quá 2mm. Đóng cửa lại, nhìn từ trong ra và nhìn từ ngoài vào xem các khe cửa, khuôn cửa có bị lọt sáng không, nếu có, cần yêu cầu sửa chữa hoặc bơm thêm keo silicon.
Khóa cửa phải dễ vặn mở, không bị kẹt cũng không lỏng lẻo. Nếu sau khi đóng cửa, khi cầm tay khóa giật và đẩy nhẹ thấy cánh cửa bị lắc tức là đục khóa sai. Chìa khóa phải dễ đút vào ổ và dễ rút ra. Bạn cũng nên kiểm tra số lượng chìa và thử chìa vào từng ổ khóa. Yêu cầu ban quản lý giao đủ số chìa hoặc thay mới khóa cửa trong trường hợp giao thiếu chìa.
Với cửa sổ thì nên đóng mở vài lần để kiểm tra độ trượt. Kiểm tra việc trám khe giữa cửa sổ và tường, giữa các chi tiết cửa có khít không, nẹp cửa có chắc chắn không?
Cuối cùng, không thể bỏ qua tính thẩm mỹ. Cụ thể, cửa phải nhẵn mịn, không thô ráp hay có bọt khí trên bề mặt (kiểm tra bằng cách xoa tay lên mặt cửa). Cánh cửa ở các phòng không bị lệch màu, kể cả phần nẹp và khuôn cửa. Chú ý các góc có nẹp trang trí xem có bị cháy đen không.
6. Kiểm tra logia, ban công
Kiểm tra lan can sắt có được lắp chắc chắn không, chiều cao có đảm bảo an toàn (cao từ 1,2m trở lên) và nhất là các mối hàn có bị han gỉ không? Phải đảm bảo có phễu thoát nước cho máy giặt và cho cả khu ban công, logia.
7. Kiểm tra thiết bị báo cháy
Mỗi căn hộ có một đầu báo cháy. Thông thường, hệ thống và thiết bị báo cháy được đơn vị phòng cháy chữa cháy và chủ đầu tư nghiệm thu. Bạn có thể kiểm tra bằng mắt thường xem các thiết bị cơ bản như đầu báo cháy trong căn hộ và búa, vòi nước ngoài hành lang đã có chưa?
Bên cạnh đó, nên dành thêm vài phút kiểm tra thang máy của tòa nhà xem quá trình đóng/mở cabin có gì bất thường không? Thang lên xuống có đúng tầng, đúng sảnh không để tránh những sự cố không mong muốn có thể xảy ra.
8. Kiểm tra diện tích
Khi nhận bàn giao nhà chung cư, người mua cần đo đạc lại diện tích căn hộ xem có đúng và đủ diện tích như trong hợp đồng giao kết với chủ đầu tư. Căn cứ vào biên bản bàn giao và hồ sơ kỹ thuật, bàn vẽ mặt bằng để người mua tiến hành đo đạc lại diện tích căn hộ. Do thời gian có hạn, rất khó kiểm tra hết các kích thước căn hộ, do vậy người mua chỉ nên tập trung đo đạc các kích thước tổng thể như chiều dài, chiều rộng các phòng, nếu sai lệch không đáng kể thì có thể chấp nhận. Tuy nhiên, khi phát hiện sai lệch nhiều, người mua có quyền mời bên thứ ba (là công ty có tư cách pháp nhân về đo đạc) để xác định lại diện tích sử dụng thực tế của căn hộ.
Mỗi mét vuông sàn có giá trị không hề nhỏ nên bạn cần đo đạc và tính toán diện tích thật cẩn trọng khi nhận bàn giao căn hộ chung cư. |
Nhận bàn giao nhà
Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có vấn đề, chủ căn hộ ghi rõ các yêu cầu sửa chữa, khắc phục trong biên bản bàn giao hoặc phiếu yêu cầu sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với tư vấn giám sát. Lưu ý, các yêu cầu càng rõ ràng, cụ thể thì khả năng khắc phục càng triệt để. Nếu tất cả các thiết bị, vật tư và hệ thống điện nước trong nhà đều đúng như cam kết thì người mua tiến hành ký nghiệm thu nhà. Trước khi ra về, chủ nhà nên khóa van nước, tắt aptomat tổng, khóa cửa ban công, cửa sổ, cửa chính và yêu cầu chủ đầu tư bàn giao các loại chìa khóa, điều khiển. Đừng quên chốt chỉ số công tơ điện, nước và lấy bản vẽ hoàn công để có thể sửa sang, lắp đặt nội thất mà không khoan đục nhầm đường điện, đường nước.
Khi nhận bàn giao nhà, ngoài kiểm tra căn hộ, người mua được phép kiểm tra những hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như đường giao thông nội bộ, khu vực gửi xe, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, nước, cầu thang thoát hiểm, hệ thống quản lý an ninh… Nếu chủ đầu tư chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo thiết kế được duyệt của dự án thì người mua có quyền từ chối nhận bàn giao căn hộ cho tới khi chủ đầu tư hoàn tất các hạng mục này.
Minh Châu (T.H)