Đời “nở hoa” khi bỏ nhà phố chật chội chuyển về vùng ven

Quyết tâm có bằng được một ngôi nhà ở trung tâm Hà Nội nhưng cuối cùng chúng tôi lại chuyển về vùng ven sinh sống. Dịch Covid-19 càng giúp chúng tôi nhận ra rằng có một ngôi nhà ở đâu không quan trọng, quan trọng nhất vẫn là chúng ta sống thế nào trong ngôi nhà đó.

Đó là tâm sự của anh Hoàng Nhất Vương khi kể với TinNhaDatVN.Com về câu chuyện bỏ nhà phố về vùng ven của gia đình mình:

Quê tôi ở một huyện nghèo ngoại thành Hà Nội. Bố tôi là giáo viên, mẹ tôi có phản thịt lợn ở chợ, đây cũng là kế sinh nhai chính của gia đình bởi lương của bố ba cọc ba đồng. Ông bà chăm chút tích lũy cả đời chỉ mong tôi có việc làm và chỗ ở ổn định tại Hà Nội. 

Khoảng 6 năm trước khi tôi cưới vợ, bố mẹ hai bên cho thêm 1 tỷ đồng với mong muốn chúng tôi có thể mua một căn nhà nhỏ gần trung tâm. Số tiền bố mẹ cho tuy lớn nhưng chưa đủ mua nhà vì chúng tôi mới đi làm chưa có tích lũy. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn quyết vay mượn họ hàng 300 triệu, cắm sổ đỏ vay ngân hàng 500 triệu để mua một ngôi nhà 1,850 tỷ. Ngôi nhà này có 3 tầng, xây trên đất 30m2 gần đường Xuân Thủy, Cầu Giấy. Tiền mừng cưới chúng tôi dùng để mua sắm nội thất, sơn sửa ngôi nhà. Nhà nằm trong một ngõ nhỏ sâu hun hút nhưng chúng tôi vẫn vô cùng sung sướng khi được làm chủ tổ ấm riêng của mình, không phải lo nay đây mai đó ở trọ. Bố mẹ tôi cũng vui mừng ra mặt khi con cái có một ngôi nhà ở phố.

Những tưởng có nhà rồi chúng tôi chỉ việc chăm chỉ làm ăn và túc tắc trả nợ nhưng cuộc sống không như là mơ. Những năm sau đó chúng tôi sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, cuộc sống mưu sinh vất vả và áp lực nợ nần đè nặng. Vợ tôi làm điều dưỡng ở một bệnh viện công, đi sớm về muộn, trực đêm trực ngày mà lương lại thấp. Tôi làm kỹ sư xây dựng cũng phải theo công trình liên miên, thế nên khi có con nhỏ cuộc sống càng bộn bề. 


Tắc đường là nỗi kinh hoàng lớn nhất với tôi khi sống ở gần trung tâm Hà Nội. Ảnh minh họa

Chúng tôi phải nhờ mẹ ra chăm cháu nhưng nhà nhỏ, chật chội, sinh hoạt rất bất tiện. Trước nhà là con ngõ nhỏ, đi vòng vèo mãi mới ra đường Xuân Thủy nhưng lúc nào cũng tắc, đường trên cao xây dở ngổn ngang, hàng quán ồn ào từ sáng tới tối... khiến cuộc sống càng ngột ngạt. Mẹ tôi bị đau khớp nên việc đi lên đi xuống cầu thang mỗi ngày cũng là cực hình với bà. Tôi thắt cả ruột khi nhìn mẹ héo hon nhưng vẫn gắng gượng ở lại chăm cháu. Đến khi vợ sinh con thứ 2 thì mẹ không thể ra giúp vì bố tôi hay ốm đau. Vợ đành phải xin nghỉ việc ở nhà chăm con, thỉnh thoảng bán vài món hàng lặt vặt trên mạng kiếm tiền bỉm sữa. Chi tiêu của cả gia đình và khoản nợ lớn đều trông đợi vào đồng lương của tôi. 

Sau 5 năm sống trong căn nhà phố ngõ nhỏ chật chội, tôi thấy cuộc đời không tươi sáng hơn chút nào. Khoản nợ ngân hàng vẫn còn 100 triệu, nợ họ hàng còn nguyên, chúng tôi như những kẻ sống mòn trong căn nhà nhỏ. Năm 2019 tôi suy tính đến việc về quê làm lại từ đầu, những tưởng sẽ phải thuyết phục vợ nhưng không ngờ cô ấy đồng ý luôn vì đã quá mệt mỏi với cuộc sống hiện tại. 

Chúng tôi bàn bạc về công việc ở quê và rao bán ngôi nhà. Sau 2 tháng có người đồng ý mua ngôi nhà với giá 2,7 tỷ đồng. Trong thời gian đó, tôi đã kịp thu xếp công việc xong xuôi. Tôi cũng nhờ bố mẹ tìm cho mảnh đất rộng rãi, gần nhà ông bà để xây nhà và làm vườn. Quê tôi cách Hà Nội khoảng 50km nên giá đất cũng không còn rẻ. Mảnh đất tôi mua rộng 500m2, trong đó có 100m2 đất ở, giá 1,3 tỷ đồng. Trả hết nợ nần, trừ tiền mua đất còn dư gần 1 tỷ tôi xây ngôi nhà cấp 4 hết 500 triệu, còn lại để cải tạo vườn, đào ao nuôi cá... Thời gian xây nhà và cải tạo vườn chúng tôi ở tạm nhà bố mẹ.


Rau trái tươi ngon ngoài vườn luôn sẵn sàng cho những bữa ăn


Khung cảnh yên bình trước cửa nhà tôi

Về quê, tôi tự đứng ra làm chủ thầu, thuê thêm một đội thợ nhận xây nhà ở cho người dân trong huyện. Lúc việc gấp tôi sẽ ở lại trông nom, đôn đốc anh em, khi rảnh thì ở nhà phụ vợ và mẹ làm vườn. Chúng tôi trồng rau bán cho một số cửa hàng rau sạch ngoài Hà Nội. Các con học trường công trong xã nên có thể nhờ ông bà đưa đón, không phải lo tắc đường, kẹt xe... Hết nợ nần, cuộc sống gần như tự cung tự cấp nên dù mới khởi nghiệp thu nhập chưa bao nhiêu nhưng chúng tôi thấy rất thoải mái, không ngột ngạt như khi sống trong phố. 

Năm nay dịch Covid khiến nhiều người thất nghiệp, nhiều gia đình phải về quê tá túc... chúng tôi thấy rất may mắn vì đã chuyển về quê sinh sống. Tôi cho rằng nếu thu nhập không cao, công việc bấp bênh... đừng cố bám trụ ở thành phố, mua nhà ở vùng ven hoặc về quê an cư lập nghiệp dễ chịu hơn rất nhiều.

Ngọc Sương (ghi)