Cuộc sống ở căn hộ chung cư có một vài điểm khác biệt so với nhà đất, bởi ngoài các chi phí sinh hoạt, điện nước, chủ sở hữu, người thuê căn hộ chung cư sẽ phải đóng thêm phí bảo trì, phí dịch vụ và một số chi phí phát sinh khác. Việc nắm rõ các loại phí phải đóng khi ở chung cư là căn cứ giúp người mua nhà đưa ra quyết định tối ưu khi lựa chọn giữa chọn mua căn hộ chung cư hay ở nhà mặt đất.
Các chi phí phải đóng khi ở chung cư:
Phí dịch vụ hàng tháng
Phí dịch vụ hàng tháng là loại phí bắt buộc với cư dân chung cư, người sở hữu, người thuê căn hộ. Mức phí này thay đổi tùy thuộc vào vào diện tích căn hộ và loại chung cư cao cấp hay bình dân. Phí dịch vụ hàng tháng sẽ do chủ đầu tư và chủ nhà thỏa thuận với nhau ở thời điểm ban đầu. Do đó, trước khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, người mua nên chú ý khoản này.
Nên tìm hiểu kỹ các loại phí phải đóng khi ở chung cư trước khi ký hợp đồng mua căn hộ.
Hiện nay, phí dịch vụ hàng tháng ở các căn hộ chung cư rơi vào khoảng 3.000 – 16.500 đồng/m2/tháng. Trong đó, những dự án chung cư dành cho người thu nhập thấp, nhà giá rẻ, nhà ở xã hội rơi vào khoảng 3.000-5.000 đồng/m2/tháng. Loại chung cư trung cấp (khoảng 1,2-1,6 tỷ/căn) có giá dịch vụ từ 6.000-10.000 đồng/m2/tháng. Còn tại các chung cư cao cấp, phí dịch vụ có thể cao hơn, từ 10.000-16.500 đồng/m2/tháng nhưng không vượt quá giá trần do Nhà nước quy định. Nhằm tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau này, người mua nên tìm hiểu, thỏa thuận trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán căn hộ.
Phí bảo trì
Điều 108 Luật Nhà ở 2014 quy định, chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư phải đóng phí bảo trì bằng 2% giá trị căn hộ. Khoản tiền này sẽ được tính vào tiền bán nhà mà người mua phải đóng khi nhận bàn giao căn hộ. Giá trị căn hộ càng cao thì mức phí này cũng cao và ngược lại.
Chẳng hạn, căn hộ có giá trị 2 tỷ thì mức phí bảo trì mà người mua phải đóng là 40 triệu đồng.
Phí gửi xe
Đây là chi phí mà chủ sở hữu căn hộ chung cư phải chi trả khi gửi phương tiện đi lại ở chung cư. Gia đình không sử dụng xe sẽ không phải đóng loại phí này. Mức phí này sẽ thay đổi tùy theo loại phương tiện, số lượng phương tiện và theo quy định tại từng chung cư. Việc thu phí xe máy, ô tô sẽ do ban quản trị nhà chung cư họp với cư dân để quyết định, tuy nhiên, mức thu không vượt quá khung giá tối đa trông giữ xe máy, ô tô chung cư do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ấn định tại từng địa phương.
Thông thường, mức thu đối với máy dao động từ 50.000-150.000 đồng/xe/tháng, còn với ô tô sẽ cao hơn, từ 700.000-2.000.000 đồng/xe/tháng.
Nhằm hạn chế số lượng xe gửi ở chung cư, nhiều ban quản lý có thể phụ thu thêm phí với những căn hộ gửi xe máy thứ 3.
Ngoài ra, cũng như những hộ gia đình ở nhà mặt đất, cư dân chung cư cũng phải chi trả các khoản phí khác như điện, nước, internet và truyền hình.
Điện, nước
Chi phí này nhiều hay ít phụ thuộc vào mức sử dụng của gia đình và được tính theo bảng giá do Nhà nước quy định.
Cụ thể, bảng giá điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, tính theo lũy tiến:
TT |
Nhóm đối tượng khách hàng |
Giá bán điện |
1 |
Giá bán lẻ điện sinh hoạt |
|
Bậc 1: Cho kWh từ 0-50 |
1.678 |
|
Bậc 2: Cho kWh từ 51-100 |
1.734 |
|
Bậc 3: Cho kWh từ 101-200 |
2.014 |
|
Bậc 4: Cho kWh từ 201-300 |
2.536 |
|
Bậc 5: Cho kWh từ 301-400 |
2.834 |
|
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên |
2.927 |
|
2 |
Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước |
2.461 |
Nguồn: Bộ Công Thương
Giá trên chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng.
Tiền nước được tính theo mức độ tiêu thụ của gia đình, đơn giá dao động từ 6.000 – 16.000 đồng/m3.
Internet, truyền hình
Chi phí internet, truyền hình tại chung cư dao động từ 70.000 – 300.000 đồng/tháng tùy vào chính sách của đơn vị cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng của gia đình.
Theo khảo sát, tổng các phí phải đóng khi ở chung cư của một hộ gia đình sẽ rơi vào khoảng 1 triệu với chung cư bình dân và khoảng 3-4 triệu với những chung cư cao cấp. Tất nhiên, chi phí cao hay thấp còn tùy thuộc vào diện tích căn hộ, số lượng phương tiện và mức chi tiêu, sử dụng của hộ gia đình.