Nhà sách Mão ở phố sách Đinh Lễ là địa chỉ quen thuộc của những “con mọt sách” ở Hà Nội, cũng nằm trong danh sách gợi ý những địa điểm nên ghé thăm dành cho khách du lịch đến thủ đô. Nhà sách tọa lạc trên gác hai của khu tập thể số 5 Đinh Lễ, gồm 5 gian với tổng diện tích 200m2, do vợ chồng ông Lê Luy - bà Phạm Thị Mão mở và kinh doanh từ những năm 90 của thế kỷ trước. Khởi nguồn từ chiếc bàn nhỏ bày bên vỉa hè cạnh Bưu điện Hà Nội, ông bà tích cóp tiền và mua được một phòng bán sách trên gác hai khu tập thể Đinh Lễ rồi dần dần mở rộng để tiện kinh doanh. Từ đam mê với sách, ông bà đã nghiên cứu, tìm hiểu và tự in ấn, xuất bản nhiều ấn phẩm độc quyền, ăn khách, trong đó phải kể đến cuốn "Almanach – Những nền văn minh thế giới". Ra mắt năm 1995, cuốn sách này cứ in đến đâu là bán hết đến đó suốt 5 năm liền, mang về cho ông bà số tiền lãi tương đương 500 cây vàng vào thời đó. Bà Mão gọi đó là "cuốn sách thần" giúp ông bà gây dựng cơ ngơi. Thành công của nhà sách Mão khiến nhiều người tìm đến Đinh Lễ mở nhà sách, dần dần hình thành phố sách nhộn nhịp, nổi tiếng nhất Hà Thành. Nơi đây được coi là thiên đường của người yêu sách, những “con mọt sách” có thể lê la cả ngày từ hiệu sách này sang hiệu sách khác để tìm một cuốn sách ưng ý trong “biển sách” mênh mông đủ thể loại. Bà Mão được coi là “thành hoàng” khai sinh ra phố sách, trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.
Nói về nhà sách của gia đình, chị Lê Ngọc Anh – con gái ông bà Luy – Mão kể nhà sách Mão trước đây giống như một kho sách vì ngay khi bước vào không gian này, người ta sẽ thấy “dưới chân là sách, bên trái là sách, bên phải là sách, thậm chí cả trên đầu cũng là sách luôn”. Không gian ngổn ngang những sách, khách muốn chọn cuốn sách ưng ý sẽ phải lục lọi, khám phá từng góc nhỏ giống như đi tìm kho báu của riêng mình. Đây chính là nét thú vị khiến nhiều người yêu thích nhà sách Mão, nhưng dần dần cũng là điểm hạn chế của nhà sách. Những vị khách bận rộn, không có thời gian tìm tòi, khám phá sẽ gặp khó khăn nếu muốn nhanh chóng tìm đúng cuốn sách mình cần rồi ra về ngay. Sự chật chội, bất tiện ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh nên chị Ngọc Anh quyết định sẽ cải tạo nhà sách.
Nhà sách Mão là địa chỉ quen thuộc của cộng đồng người yêu sách Hà Nội suốt hàng chục năm qua.
Khi tìm kiếm kiến trúc sư cho dự án cải tạo, chị trình bày mong muốn công trình sau cải tạo phải thỏa mãn được 3 yêu cầu khá “khó nhằn”:
- Đảm bảo về mặt thẩm mỹ: đẹp, cuốn hút nhưng vẫn phải giữ phong cách hoài cổ của nhà sách
- Có không gian thoáng để khách dễ dàng tìm và đọc sách
- Để được rất nhiều sách
Lần đầu bước vào nhà sách Mão, không ít người cảm thấy choáng ngợp trước những giá sách cao ngất, chứa đầy sách đủ thể loại, từ văn học, khoa học đến sách, truyện thiếu nhi,...
Thật may mắn, chị Ngọc Anh tìm được kiến trúc sư Nguyễn Thu Hiền. Chị Hiền kể, quá trình thực hiện dự án cải tạo gặp khó khăn ngay từ khâu khảo sát hiện trạng, vì có quá nhiều sách nên từ khi nhận dự án đến khi khảo sát, chị phải chờ 1 tháng để gia chủ dọn mặt bằng, chuyển sách đi nơi khác. Qua tham khảo thiết kế kiến trúc của các thư viện trên thế giới, chị Hiền nhận thấy người ta thường bố trí khoảng thông tầng ở giữa thư viện, xếp sách xung quanh để người đọc bước vào sẽ có cảm giác bị bao vây bởi sách, ngụp lặn trong biển tri thức bao la. Với nhà sách Mão, chị quyết định sẽ dùng cầu thang đặt ở trung tâm, tạo hiệu ứng thị giác, đóng vai trò là điểm nhấn của cả không gian. Phong cách hoài cổ của nhà sách lâu đời vẫn được giữ lại, vẹn nguyên như trong ký ức của những vị khách quen. Những giá sách cao sàn lên sát trần, chất đầy sách thuộc đủ thể loại, phù hợp với thị hiếu đa dạng của độc giả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi để khách ghé thăm thoải mái khám phá. Nếu tìm được cuốn sách yêu thích, họ có thể tìm một góc và đọc ngay tại chỗ. Bước vào nhà sách Mão sau cải tạo, khách sẽ thấy như đang lạc vào một thế giới vừa cổ kính, vừa kỳ bí nhưng cũng hết sức bình yên để thoải mái thả hồn vào những cuốn sách.
Chiếc cầu thang xoắn ốc được bố trí ở trung tâm, là điểm nhấn kiến trúc của không gian đậm màu hoài cổ như những thư viện lâu đời.
Sách được xếp kín từ sàn lên đến tận mái nhà, khách sẽ thấy "dưới chân là sách, bên trái là sách, bên phải là sách, thậm chí cả trên đầu cũng là sách."
Không gian sau cải tạo đã rộng rãi, thuận tiện hơn cho khách đi lại, tìm và đọc sách nhưng phong cách hoài cổ của nhà sách lâu đời vẫn được giữ lại nguyên vẹn.
Chị Ngọc Anh chia sẻ, ngay khi nhìn thấy nhà sách Mão sau cải tạo, chị đã òa khóc vì không nghĩ rằng nhà sách của gia đình mình có thể trở thành một không gian đẹp như thế. Nhà sách Mão đón nhiều khách hơn, trong đó không ít người bị thu hút bởi không gian kiến trúc độc đáo, nhuốm màu hoài cổ ở đây. Đặc biệt, chiếc cầu thang xoắn ốc giữa hiệu sách trở thành địa điểm check-in ưa thích của giới trẻ, xuất hiện trong rất nhiều bức ảnh đăng trên mạng xã hội cũng như các blog về văn hóa, du lịch.
Khi khám phá "biển sách" ở đây, thỉnh thoảng khách sẽ bắt gặp những câu thơ, câu trích dẫn do ông bà chủ sáng tác hoặc tâm đắc nên sưu tầm.
Ngoài việc khám phá kho tàng tri thức lâu đời từ những cuốn sách, nhiều khách tới đây do bị thu hút bởi không gian kiến trúc độc đáo của nhà sách. Chiếc cầu thang xoắn ốc trở thành địa điểm "check-in" ưa thích của giới trẻ.
Sự yên tĩnh, cổ kính và bí ẩn của không gian khơi gợi sự tò mò, lôi cuốn người đọc bước vào khám phá thế giới của những cuốn sách.
Nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhà sách Mão vẫn luôn là địa chỉ quen thuộc của cộng đồng người yêu sách Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, là một trong những nơi “giữ lửa” cho văn hóa đọc. Không chỉ được ngụp lặn trong biển tri thức bao la từ vô vàn những cuốn sách, nhiều người còn đến đây để trải nghiệm không gian yên tĩnh, tách biệt với nhịp sống xô bồ, hối hả bên ngoài.
Lan Chi
(Ảnh minh họa: Internet)