Nhà cổ Bình Thuỷ
Nhà cổ Bình Thủy nằm tại số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ. Công trình được xây dựng từ năm 1870, có tổng diện tích lên tới 6.000m2, gồm 5 gian, 2 mái, chia làm 3 phần gồm nhà trước, giữa và sau. Toàn bộ cấu trúc có bố cục cân xứng âm dương với cổng tam quan, sân gạch tàu, mái lợp ngói Phúc Lộc Thọ kiểu Tam đa, đèn đặt bốn góc Long Lân Quy Phụng dạng Tứ quý và 6 hàng 24 cây cột kèo bằng gỗ lim.
Công trình có kiến trúc độc đáo với phần ngoài mang dáng dấp một tòa nhà châu Âu
nhưng bên trong là kiến trúc cổ của người Việt. Ảnh: Vinh Phong.
Nhà cổ Cai Cường
Nhà cổ Cai Cường thuộc sở hữu của gia đình ông Phạm Văn Bổn, một đại địa chủ ở địa phương ngày xưa. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1885, có bề ngang 15m với các hàng cột gỗ cao khoảng 6m đỡ lấy lớp mái ngói âm dương hình vảy cá. Phần khung xây theo hình chữ đinh gồm hai nếp nhà vuông góc, mặt chính quay về hướng Bắc nhìn ra rạch cái Muối, đầu sau đấu vào nhà trước. Mặt tiền ngôi nhà là một hành lang có cửa thông hai bên bằng cầu thang hình cánh cung. Cửa ra vào xây theo hình vòm bán nguyệt để thể hiện chủ nhân là một người có tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội.
Toàn bộ công trình được chia làm ba gian với lối thông ra vườn ở gian giữa.
Nơi đây thu hút du khách không chỉ bởi kiến trúc bên ngoài mà còn ở cách bài trí nội thất bên trong
Các vật dụng khác như bàn ghế, phản, tủ thờ được làm từ các loại gỗ quý…
và được lưu giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay. Ảnh: Vinh Phong.
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê được xây dựng vào năm 1895 với vật liệu chính là gỗ, với cấu trúc ban đầu gồm 3 gian. Tới năm 1917, các vách gỗ được thay thế bằng tường theo phong cách biệt thự kiểu Pháp.
Du khách tới đây sẽ được nghe câu chuyện tình không biên giới nổi tiếng
giữa chủ nhân của ngôi nhà và bà Marguerite Duras. Ảnh: JieYi.
Nhìn từ ngoài, tòa nhà khá bắt mắt với lối kiến trúc của Pháp. Đó là những bức phù điêu, tượng đắp nổi cho tới từng ô cửa sổ với khối kính nhiều màu toát lên vẻ uy nghiêm, bề thế. Nhưng kiến trúc bên trong lại theo lối phương Đông mềm mại, uyển chuyển.
Nhà trăm cột Trần Văn Hoa
Nhà cổ trăm cột được xây dựng từ năm 1901, tọa lạc tại ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đây là di tích lịch sử quốc gia được xếp hạng vào năm 1997.
Toàn bộ hệ thống kèo được chạm nổi hết sức công phu, tỉ mỉ toát
lên sự phóng khoáng và tao nhã. Ảnh: Quỳnh Trần.
Công trình có tổng diện tích 882m2, nằm trên khu vườn có diện tích hơn 4.000m2. Nhà gồm ba gian và hai chái theo phong cách nhà rường xứ Huế. Vật liệu chính là gỗ với phần nền là đá tảng cao 0,9m, phía trên lát gạch tàu lục giác.
Sở dĩ ngôi nhà có tên "nhà trăm cột" là bởi căn nhà có tới 120 cột gồm 68 cột chính và 52 cột vuông nhỏ phụ trợ được phân thành từng cặp nối liền với nhau theo chiều ngang nhà và đóng chặt bằng một thanh gỗ xuyên ngang.
Kiến trúc công trình cho thấy sự tỉ mỉ, khéo léo cũng như trình độ chuyên môn cao của những nghệ nhân thời xưa.