Theo các nhà khoa học, ngành xây dựng chiếm tới 75% lượng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của Trái Đất. Đá, cát, sắt và nhiều nguồn tài nguyên hữu hạn khác được khai thác với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường vật liệu xây dựng. Ngoài ra, các công trình xây dựng - từ xây mới, tu sửa đến phá hủy - đều tạo ra một lượng lớn chất thải, chiếm đa số trong tổng khối lượng chất thải rắn đô thị. Lượng chất thải này thường được đưa đến các bãi chôn lấp, bãi rác thay vì được xử lý đúng cách, gây áp lực lên hệ thống vệ sinh đô thị và tạo ra các bãi thải không chính thức. Trên thực tế, nếu được tái chế đúng cách, chất thải xây dựng có rất nhiều tiềm năng tái sử dụng một cách hiệu quả, an toàn, tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường.
Ngành xây dựng chiếm 75% lượng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của Trái Đất và thải ra chất thải rắn, gây áp lực lên các bãi chôn lấp. |
Tái chế là quá trình tái sử dụng các vật liệu bị loại bỏ, đưa chúng trở lại chu trình sản xuất. Quá trình này làm giảm lượng tiêu thụ nguyên liệu thô, giảm tổng khối lượng chất thải và có thể tạo việc làm cho hàng ngàn người. Lựa chọn sử dụng các loại vật liệu có thể tái chế trong công trình xây dựng là cách hiệu quả để bảo vệ môi trường sống của chúng ta, hướng tới sự phát triển bền vững. Vậy đâu là những vật liệu xây dựng dễ tái chế nhất?
Thép
Việc tái chế thép có lịch sử khá lâu đời. Sau mỗi trận chiến, những người lính của đế chế La Mã thường thu thập các vũ khí, công cụ chiến tranh bằng thép bị bỏ lại trong các chiến hào để sử dụng hoặc nấu chảy, rèn thành vũ khí, công cụ mới. Thép có khả năng biến đổi vô tận thành các vật thể mới mà không làm giảm chất lượng. Khi thép được tái chế, mức tiêu thụ điện giảm 80% so với sản xuất mới, giảm tác động đến môi trường và loại bỏ hoàn toàn việc khai thác nguyên liệu thô.
Thủy tinh, kính
Trong khi các loại chai, lọ, hộp thủy tinh được tái chế khá thường xuyên trong đời sống hàng ngày, việc tái chế kính cửa sổ từ các công trình xây dựng bị dỡ bỏ gặp nhiều thách thức hơn. Do thành phần hóa học và nhiệt độ nóng chảy khác nhau, kính cửa sổ không thể tái chế cùng với các vật kính khác. Tuy nhiên, người ta có thể nấu chảy kính cửa sổ và tái sản xuất thành sợi thủy tinh, ứng dụng trong sản xuất bê tông asphalt, sơn kẻ đường phản quang. Ngoài ra, kính vỡ có thể kết hợp với bê tông để làm sàn hay mặt đá granite.
Bê tông
Để tái chế bê tông, người ta sử dụng một máy nghiền đặc biệt để nghiền nhỏ bê tông thành cốt liệu bê tông tái chế. Đến nay, bê tông tái chế thường chỉ được sử dụng như một lớp nền phụ cho công trình xây dựng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu, thử nghiệm mới cho thấy cốt liệu bê tông tái chế có thể tạo ra các thành phần cấu trúc từ 30-40 MPa nếu được áp dụng các công nghệ phù hợp. Quan trọng hơn, cốt liệu tái chế cũng nhẹ hơn từ 10-15% trên một đơn vị khối lượng so với bê tông nguyên chất, từ đó giúp giảm chi phí vật liệu, vận chuyển và tổng chi phí dự án.
Gỗ
Sử dụng gỗ tái chế đã trở thành một xu hướng khá phổ biến trong các công trình xây dựng ngày nay. Gỗ cứng có thể tồn tại hàng trăm năm nếu được bảo trì đúng cách. Gỗ tái chế có thể được sử dụng trong các bộ phận kết cấu lớn, làm dầm, pallet hoặc hỗ trợ các công đoạn thi công khác. Những loại gỗ mềm hơn, rẻ hơn có thể được tái chế thành nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp sản xuất tấm panel. Ngày nay, gỗ tái chế được ứng dụng phổ biến để sản xuất các tấm gỗ MDF.
Thạch cao
Thạch cao là vật liệu có thể tái chế, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, quá trình này có thể phát thải hydro sunfua dễ cháy, có độ độc hại cao, làm ô nhiễm đất và nước ngầm. Ngược lại, với quy trình và công nghệ xử lý phù hợp, thạch cao tái chế vẫn giữ được các đặc tính vật lý và cơ học như thạch cao thông thường nhưng với chi phí thấp hơn khá nhiều.
Nhựa EPS
Nhựa EPS cũng là một loại vật liệu xây dựng dễ tái chế. Sau khi được nghiền và nén, nhựa EPS tái chế có thể trở thành nguyên liệu thô để sản xuất các sản phẩm nhựa mới, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Bên cạnh đó, các vật liệu như kẽm, nhôm, bao bì, vải đều có thể tái sử dụng và tái chế. Riêng những chất như amiăng, sơn latex, dung môi hóa học, chất kết dính, sơn có chứa chì thì cần được xử lý cẩn thận để giảm tác động của chúng đến môi trường. Với những lo ngại ngày càng gia tăng về vấn đề ô nhiễm môi trường, đã đến lúc ngành xây dựng cần thay đổi theo hướng "xanh" hơn, bền vững hơn. Tái chế vật liệu xây dựng không chỉ giúp giảm chi phí, giảm áp lực cho các bãi chôn lấp mà còn bảo vệ môi trường sống, sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng.
Hương Liên