Lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân… là những loại thuế, phí bắt buộc phải nộp khi mua bán, chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, có trường hợp người dân phản ánh tiền thuế được cơ quan thuế tính toán không chính xác do có sai sót trong việc áp dụng đơn giá loại đất. Hay có trường hợp đã nộp thuế đầy đủ khi mua nhà và đất nhưng một thời gian sau, cơ quan thuế thông báo phải nộp bổ sung và cho rằng chủ nhà có dấu hiệu trốn thuế. Vậy trong những trường hợp này phải làm thế nào?
Hoàn lại tiền khi phải nộp thuế cao hơn mức thực tế
Với trường hợp phải đóng thuế cao hơn mức thực tế mà cơ quan thuế yêu cầu người dân phải đóng thuế mới xong mới được hoàn lại khoản thuế đã đóng sai, ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM cho biết, yêu cầu này của cơ quan thuế là không đúng.
Theo ông Sơn, trong trường hợp này, cơ quan thuế không thể yêu cầu người dân đóng thêm theo thông báo thuế mới mà cần làm thủ tục để hoàn trả số tiền chênh lệch.
Lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân… là những loại thuế, phí phải nộp khi mua bán nhà đất
Khi cơ quan thuế thông báo và thu thuế sai, luật sư Trần Xoa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi cơ quan thuế đó.
Trong trường hợp số tiền thuế phải nộp thấp hơn số tiền mà cơ quan thuế thông báo thì cơ quan thuế phải hoàn trả lại số tiền thu sai, cộng với tiền lãi tính trên số tiền nộp thừa này trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày giải quyết khiếu nại. Luật sư Xoa nói: “Trường hợp này, cơ quan thuế căn cứ quyết định giải quyết khiếu nại để ra quyết định hoàn thuế, không yêu cầu người nộp thuế lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế hoặc nộp thuế lần nữa theo thông báo mới rồi mới cho hoàn số thuế cũ”.
Hồ sơ hoàn các loại thuế, phí khác gồm Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013 của Bộ Tài chính và các tài liệu kèm theo (nếu có).
Nộp thuế thiếu có bị cấu thành tội trốn thuế?
Anh H. (Hà Nội) mua một căn nhà giá 2 tỷ đồng vào năm 2016 và đã nộp thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đầy đủ. Nhưng đến năm 2018, cơ quan thuế thông báo sau khi kiểm tra, rà soát, giá mua bán nhà của anh H. theo giá Nhà nước phải là hơn 4 tỷ đồng. Do đó, cơ quan này yêu cầu anh H. phải nộp bổ sung 101 triệu đồng, đồng thời xác định anh H. có dấu hiệu trốn thuế.
Với trường hợp này, Luật sư Quách Thành Lực, luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, hành vi kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá quy định ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất không phải là hành vi trốn thuế và không cấu thành tội trốn thuế.
Bởi Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội được quy định tại Điều 153 đến Điều 160, Điều 164, từ Điều 193 đến Điều 196, Điều 230, Điều 232, Điều 233, Điều 236 và Điều 238 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 thì người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 108 của Luật quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được quy đinh tại Điều 161 của BLHS. Tuy nhiên, hành vi kê khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp hơn giá quy định lại không được nêu trong Điều 108 Luật quản lý thuế.
Cũng theo luật sư Lực, cơ quan quản lý thuế nơi có bất động sản sẽ xác định số thuế mà người dân phải nộp theo nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận mua bán dân sự của người dân, nhưng mức giá đó không được thấp hơn giá do Nhà nước quy định.
Thông thường, trong tình huống này, Chi cục thuế nơi có bất động sản sẽ thông báo cho người đóng thuế biết sự nhầm lẫn, thiếu sót đó và đề nghị nộp bổ sung số thuế còn thiếu.
Khánh Trang