Bước 1: Khai nhận nhà đất thừa kế tại văn phòng công chứng
Đây là thủ tục nhằm xác lập quyền tài sản đối với nhà đất thừa kế của người thụ hưởng tại thời điểm phát sinh quyền thừa kế sau khi người để lại di sản thừa kế chết. Người thụ hưởng ở đây là người được nhắc đến trong di chúc hoặc nếu không có di chúc thì là người được chia quyền thừa kế theo pháp luật.
Mặc dù quy định hiện hành không bắt buộc người nhận thừa kế phải khai nhận di sản tại văn phòng công chứng, nhưng đối với những tài sản pháp luật bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu như nhà đất thì người nhận thừa kế cần phải thực hiện thủ tục này để xác lập quyền tài sản, có cơ sở để thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản đó trong tương lai.
>> Hướng dẫn 5 bước khai nhận nhà đất thừa kế tại văn phòng công chứng mới nhất.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Trường hợp thừa kế nhà đất có di chúc |
Trường hợp thừa kế nhà đất theo pháp luật (không có di chúc) |
Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất |
|
Di chúc hợp pháp |
Bản án, quyết định của Tòa án về việc phân chia di sản thừa kế |
Biên bản mở di chúc có người chứng kiến và xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất |
Văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế, có xác nhận của UBND cấp xã hoặc Phòng/Văn phòng công chứng về việc hưởng thừa kế |
Bước 3: Nộp hồ sơ
Người nhận thừa kế đem nộp hồ sơ trên tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh nơi có đất hoặc nộp tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu. Trường hợp hưởng di sản thừa kế là một phần thửa đất thì người nhận thừa kế phải làm đơn đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích được hưởng thừa kế trước khi nộp hồ sơ.
Thủ tục sang tên sổ đỏ nhà, đất thừa kế được thực hiện qua 5 bước. Ảnh minh họa: Internet
Bước 4: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan chức năng nói trên có trách nhiệm xem xét hồ sơ, trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ sẽ tiếp nhận xử lý theo quy định, ghi thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ đồng thời trao phiếu tiếp nhận cho người nộp. Ngược lại, nếu hồ sơ không hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định.
Trường hợp người nhận thừa kế nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để giải quyết.
Bước 5: Xử lý yêu cầu sang tên sổ đỏ nhà đất thừa kế
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính cho người nhận thừa kế (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định), sau đó xác nhận nội dung biến động vào sổ đỏ đã cấp. Cơ quan này cũng có trách nhiệm chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai đồng thời trao giấy chứng nhận cho người sử dụng đất (có thể gửi sổ đỏ cho UBND cấp xã để trao giúp trong trường hợp người nhận thừa kế nộp hồ sơ tại UBND cấp xã).
Về phía người nhận thừa kế, cần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính khi thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ đất thừa kế, cụ thể là nộp một số loại thuế phí như lệ phí địa chính (15.000 đồng/trường hợp), lệ phí thẩm định (= 0,15% giá trị sang tên), lệ phí cấp sổ đỏ (tùy từng trường hợp cụ thể cũng như quy định tại địa phương).
Linh Phương
>> Nhà, đất không sổ đỏ có được cho thừa kế hay không?
>> Việt Kiều có được hưởng thừa kế nhà, đất tại Việt Nam hay không?