1 sổ đỏ có được thế chấp ở nhiều ngân hàng?

Khi cần gấp một khoản tiền lớn, nhiều người chọn cách thế chấp sổ đỏ nhà đất tại ngân hàng. Vậy, một sổ đỏ có thể thế chấp tại nhiều ngân hàng, hay nói cách khác, một bất động sản có thể đảm bảo cho nhiều khoản vay không?

Vay thế chấp sổ đỏ là hình thức dùng sổ đỏ nhà, đất làm tài sản đảm bảo và ngân hàng sẽ giữ sổ đó trong suốt quá trình vay. Giá trị khoản vay thường rơi vào khoảng 70 – 80% giá trị bất động sản. Nếu bạn không có khả năng trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ thanh lý nhà, đất của bạn để thu hồi nợ cho mình.

Liên quan đến vấn đề một sổ đỏ có thể đem thế chấp tại nhiều ngân hàng không, điều 324 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau:

“Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.

Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thoả thuận khác”.

Trong trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thoả thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

hai người đang giao dịch với nhau trong một văn phòng, phía sau có nhiều khách hàng đang chờ đến lượt
Pháp luật cho phép 1 tài sản có thể đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ nếu
đáp ứng những điều kiện nhất định. Ảnh minh họa

Như vậy, chủ sở hữu nhà, đất có thể thế chấp sổ đỏ tại nhiều ngân hàng nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:

  1. - Giá trị nhà, đất tại thời điểm thế chấp lớn hơn tổng số tiền vay tại các ngân hàng
  2.  
  3. - Bên thế chấp phải thông báo về tình trạng tài sản đang thế chấp cho ngân hàng nhận thế chấp tiếp theo.

Ví dụ, bạn cần vốn kinh doanh nên thế chấp sổ đỏ căn nhà của mình tại ngân hàng X. Nay vì sắp cạn vốn nên muốn tiếp tục dùng sổ đỏ đó để thế chấp tại ngân hàng Y. Khi đó, bạn phải thông báo với ngân hàng Y về việc căn nhà của mình đã được thế chấp tại ngân hàng X. Ngân hàng Y sẽ liên hệ với ngân hàng X để xác minh thông tin, xem xét việc có nhận thế chấp hay không.

  1. - Khi thực hiện thế chấp sổ đỏ với bất cứ ngân hàng nào đều phải được lập thành văn bản.

Lưu ý khi lập văn bản thế chấp sổ đỏ, cần thỏa thuận rõ về việc xử lý tài sản nếu phát hiện vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận thế chấp (ngân hàng) có thể bán đấu giá tài sản đảm bảo.

Linh Phương (TH)

http://thanhnienviet.vn/2020/02/08/1-so-do-co-duoc-the-chap-o-nhieu-ngan-hang