Tiền đền bù đất: Người thừa kế nhận thay người đã mất có được không?

Chú ruột của anh Trung (ông Tùng) có một thửa đất nằm gần đường quốc lộ, thuộc khu vực quy hoạch để mở rộng nên tới đây Nhà nước sẽ thu hồi và đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, ông Tùng vừa không may qua đời vì tai nạn giao thông, anh Trung nghe nói khi chủ đất mất thì không được hưởng tiền đền bù nữa. Anh Trung thắc mắc, thông tin này có đúng hay không và liệu gia đình anh có được thay ông Tùng hưởng khoản tiền đền bù đất?

Thắc mắc của anh Trung được Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) tư vấn như sau:

1. Việc người được đền bù đất qua đời không phải là một căn cứ để tước đi quyền lợi của họ

Căn cứ Điều 82 Luật đất đai năm 2013, chỉ một số trường hợp theo quy định pháp luật chẳng hạn đât đai bị thu hồi do vi phạm pháp luật đât đai hoặc đất không có đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ thì mới không được đền bù giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định rằng: Di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người đã mất hoặc phần tài sản nằm trong khối tài sản chung với người khác. “Điều này có nghĩa, quyền sử dụng dất cũng được coi là một loại tài sản có thể thừa kế. Trường hợp đất đai đó bị thu hồi mà những người thừa kế hợp pháp không được hưởng phần tiền bồi thường thì là bất hợp lý, trái với quy định pháp luật hiện hành” – Luật sư Nguyễn Văn Tuấn trao đổi với TinNhaDatVN.Com.

Cũng theo luật sư Tuấn, khi người được bồi thường đất đai qua đời, số tiền đền bù lúc này sẽ được xem như di sản thừa kế. Nếu người đã khuất không có ai thuộc hàng thừa kế thì di sản này sẽ bị Nhà nước thu hồi. Ngược lại, nếu chủ sở hữu đất có người thừa kế thì những người đó nghiễm nhiên sẽ có quyền yêu cầu được giao nhận, phân chia di sản của người đã mất.

Đối chiếu với trường hợp của gia đình anh Trung, do ông Tùng vẫn còn người thừa kế nên việc không đền bù cho người sử dụng đất chỉ xảy ra trong hai trường hợp:

- Thứ nhất, ông Tùng vốn dĩ không thuộc đối tượng được đền bù đối với đất bị thu hồi

- Thứ hai, những người thừa kế của ông Tùng từ chối nhận di sản.

Ngoại trừ 2 trường hợp này, còn lại gia đình anh Trung chắc chắn có quyền hưởng tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho mảnh đất mà ông Tùng sở hữu. Tuỳ thuộc vào việc ông Tùng có thực hiện việc lập di chúc hay không, việc chia di sản (bao gồm khoản tiền đền bù thu hồi đất này) sẽ được thực hiện theo di chúc hoặc được chia theo pháp luật (trường hợp ông Tùng không để lại di chúc).

luật sư Nguyễn Văn Tuấn
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Luật TGS) tư vấn về các vấn đề liên quan đến bồi thường thu hồi đất.

2. Cách xác định tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất

Về các trường hợp cụ thể để nhận biết khi nào thu hồi đất được bồi thường bằng tiền, khi nào bồi thường bằng đất khác, bạn đọc có thể theo dõi bảng so sánh sau:

Trường hợp

Phương án bồi thường

Chủ sở hữu đất còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi

Bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở

Không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì bồi thường bằng tiền

Chủ sở hữu đất còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi

Địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở

Nếu không có đất ở thì bồi thường bằng tiền

Theo Điểm đ khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được tính theo giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Tức là mức giá đền bù đất sẽ được tính dựa trên giá đất cụ thể chứ không phải theo giá thị trường, người dân cũng không được phép thỏa thuận hay mặc cả về mức giá đã được ban hành đó. Người dân chỉ được thỏa thuận giá trong trường hợp chủ đầu tư thực hiện dự án bằng cách nhận quyền sử dụng đất thông qua hình thức chuyển nhượng.

Linh Phương

>> Nguyên tắc đền bù khi thu hồi đất có nhiều người cùng sử dụng

>> Được đền bù 100% đối với xây dựng có phép trên đất nông nghiệp bị giải tỏa