Đại diện đơn vị này đưa ra các nhóm phân khúc bất động sản tương ứng với hoạt động ở - làm việc – thư giãn – nghỉ hưu, đó là nhà ở - thương mại và công nghiệp – khách sạn và nghỉ dưỡng – y tế. Trong đó, tài sản chuyên dụng , cụ thể là các trung tâm dữ liệu đang có tiềm năng phát rất lớn.
Trong dữ liệu đưa ra, Cushman Wakefield chỉ ra các mảng của thị trường “ngách” có tiềm năng trong tương lai, hiện chưa được khai thác nhiều. Đó là trung tâm dữ liệu, y tế, khoa học đời sống, kho lạnh, nhà ở công nhân/xã hội, nhà dưỡng lão, cho thuê để mua, kho cá nhân.
Với nhà dưỡng lão , được xem là phân khúc bất động sản “hái ra tiền” trong tương lai. Nhu cầu về nhà ở và các dịch vụ có liên quan đến viện dưỡng lão, nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người lớn tuổi đang ngày một tăng lên. Tại Việt Nam, thị trường này hầu như vẫn còn rất sơ khai . Trên toàn cầu, nhu cầu nhà ở dưỡng lão ngày càng tăng cao ở rất nhiều thị trường; nguồn cầu không được đáp ứng do nguồn cung hạn chế.
Theo thông tin từ Liên Hợp quốc, đến năm 2050, cứ 6 người trên thế giới thì lại có 1 người trên 65 tuổi, tương đương khoảng 1,5 tỷ người. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, Liên Hợp quốc đã dự đoán rằng dân số nước ta sẽ trở nên siêu già vào năm 2050.
Kể từ khi các chính sách đổi mới của Việt Nam được áp dụng đã chứng kiến sự tăng trưởng lớn kinh tế - xã hội và những cải thiện đáng kể đối với các dịch vụ công, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ trung bình. Các chuyên gia cho rằng, đây là một phân khúc bất động sản lạ đang bùng nổ mạnh trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn sơ khai, là triển vọng cho nhà đầu tư.
Tương tự, bất động sản kho lạnh đang có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam. Báo cáo từ Savills cho thấy doanh thu ngành thực phẩm tươi tại Việt Nam đã tăng 6,3% trong giai đoạn 2020 - 2022 (từ 40,4 tỷ USD vào năm 2020 lên 45,7 tỷ USD vào năm 2022). Nhu cầu trong nước mạnh mẽ cùng bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ là động lực chính cho sự phát triển của thị trường kho lạnh.
Trong vài năm trở lại đây, bất động sản công nghiệp và logistics ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư với ghi nhận dòng vốn đầu tư vào mức kỷ lục.
Trung tâm dữ liệu tại các thị trường phát triển ở Châu Á đang trong thời kỳ bùng nổ, được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng từ các nền kinh tế số. Các Chính phủ tại Indonesia, Malaysia và Ấn Độ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nhằm thu hút các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu toàn cầu.
Báo cáo của Savills Châu Á Thái Bình Dương mới đây cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số đông hơn 30 lần. Tuy nhiên, Trung tâm dữ liệu của Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới nhờ quá trình số hóa của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và dân số trẻ hiểu biết về kỹ thuật số, sự xuất hiện của 5G, nhu càu tự cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và luật nội địa hóa dữ liệu.