Xu hướng đầu tư BĐS ăn theo phát triển công nghiệp và cảng biển

Nếu phía Bắc có Hải Phòng, Vân Đồn thì phía Nam có “thành phố cảng” Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu) đang được kì vọng sẽ làm thay đổi diện mạo kinh tế khu vực kéo theo sự phát triển của thị trường BĐS nơi đây trong tương lai.

Từ câu chuyện phát triển cảng biển, khu công nghiệp…

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills, Việt Nam có các hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) dài khoảng 11km, được xem như cảng Hải Phòng thứ hai. Đó là tiền đề để thu hút vốn FDI, phát triển BĐS công nghiệp kéo theo sự phát triển của BĐS nhà ở. Câu chuyện hạ tầng giao thông ở các thị trường này vì thế cũng được nhắc nhiều ở giai đoạn này.

Quả thực, ở các thị trường có lợi thế phát triển công nghiệp lẫn cảng biển đang trở thành điểm sáng về thị trường BĐS nhà ở, được NĐT quan tâm. Theo nhận định của các chuyên gia, nơi nào có cảng quốc tế, sẽ trở thành trung tâm giao thương của cả quốc gia và khu vực. Có cảng biển quốc tế, sẽ được đầu tư hạ tầng; khi có hạ tầng sẽ thu hút các khu công nghiệp; có khu công nghiệp sẽ thu hút nhiều lao động và chuyên gia. Khi tăng dân số sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển, mà hơn hết là nền công nghiệp logistics và thị trường BĐS nhà ở ăn theo.

Xu hướng đầu tư BĐS ăn theo phát triển công nghiệp và cảng biển - Ảnh 1.

Theo quy hoạch, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến năm 2030 sẽ phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, cảng biển – dịch vụ hậu cần cảng, hướng đến phát triển thành một "thành phố cảng" lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Nơi đây có lợi thế về mặt kinh tế khi đang sở hữu cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép, với 35 bến cảng, đứng thứ 19 trên thế giới. Đây là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu chở container đi trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3. Yếu tố này đang góp phần vào việc thay đổi diện mạo kinh tế- xã hội của khu vực Phú Mỹ nói riêng cũng như cả nước nói chung. Kéo theo đó là sự thay đổi đáng kể về thị trường BĐS - vốn là thị trường mới đang nổi lên những năm gần đây.

Bên cạnh lợi thế phát triển kinh tế cảng biển, về mặt công nghiệp nơi đây cũng được xem là một trong các địa phương đón đầu làn sóng dịch chuyển công nghiệp mạnh mẽ. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020. Trong đó, quyết định bổ sung 450 ha khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ HD tại P.Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ vào quy hoạch. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp với các công trình nhà ở công nhân, các công trình phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.

Theo số liệu từ UBND TX Phú Mỹ, trên địa bàn hiện đã hình thành 9 KCN tập trung với 261 dự án và 3 cụm KCN đang hoạt động. Trong đó có 145 dự án đầu tư nước ngoài và 116 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng kí hơn 16,3 tỉ USD. Đáng nói, hầu hết các dự án quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn.

Các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động như Cụm KCN Châu Đức, KCN Phú Mỹ, KCN Mỹ Xuân, KCN Cái Mép, KCN Đông Xuân, KCN Cửa Lò…Hằng năm thu hút lượng lớn lượt lao động vào khu vực sinh sống và làm việc. Theo báo cáo của văn phòng UBND tỉnh, khu vực này hiện có hơn 80 nghìn lao động, tăng 20% so với năm 2017. Trong đó, lao động đến từ các địa phương khác chiếm đến 90%. Như vậy, đây là nguồn cầu rất lớn cho thị trường BĐS trong tương lai, nhất là những dự án liền kề các cụm khu công nghiệp.

Đến đầu tư phát triển BĐS

Rõ ràng, BĐS luôn gắn liền và đi song hành với các hoạt động kinh tế xã hội. Ở những thị trường đang có những lợi thế nổi bật về cảng biển hay công nghiệp ngay lập tức tạo ra làn sóng đầu tư BĐS.

Theo các chuyên gia, đa số doanh nghiệp BĐS khi đầu tư dự án đều có xu hướng chọn đầu tư ở những địa điểm có khả năng xây dựng kết cấu hạ tầng thuận lợi, có thể hình thành cụm công nghiệp, nhất là vấn đề logistics, vận chuyển phù hợp cả đầu vào và ra của sản phẩm. Đặc biệt, những vùng đất mới chưa được khai thác, có nhiều yếu tố tự nhiên, chưa bị tác động bởi con người, có nhiều tiềm năng, giao thông thuận lợi, quỹ đất còn khá rộng là những nơi đang được giới đầu tư trong nước và FDI đặc biệt chú ý.

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, thị trường Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) được nhắc đến nhiều. Đây không chỉ là khu vực duy nhất của thị trường phía Nam được đầu tư đồng bộ từ 4 tuyến giao thông: Thủy – Bộ - Không – Sắt mà còn có lợi thế kế cận sân bay Quốc tế Long Thành sắp khởi công, điều này đã khiến thị trường BĐS nơi đây rục rịch, nhất là sau thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Xu hướng đầu tư BĐS ăn theo phát triển công nghiệp và cảng biển - Ảnh 2.

Những dự án BĐS theo xu hướng sinh thái, lấy thiên nhiên trù phú làm nền tảng phát triển đã hình thành tại thị trường BĐS Phú Mỹ những năm gần đây

Ghi nhận cho thấy, những sản phẩm BĐS có sổ, hoàn thiện pháp lý đang được cả NĐT lẫn người mua thực quan tâm. Lý do BĐS nơi đây vẫn hấp lực người mua là bởi giá mua vào so với các thị trường lân cận Tp.HCM còn khá mềm, theo đó khả năng sinh lời còn cao. Trong khi đó, được hưởng lợi thế của loạt khu công nghiệp đã hiện hữu, lấp đầy trên địa bàn cho nên nhu cầu mua ở thực gia tăng mạnh mẽ ở thị trường này những năm gần đây.

Như vậy để thấy, với định hướng phát triển thành "thành phố cảng", và là nơi có tiềm năng để thu hút làn sóng dịch chuyển sản xuất công nghiệp từ nước ngoài, thị trường BĐS Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã và đang hình thành những xu hướng mới về dự án BĐS cũng như hạ tầng để bắt kịp với những quy hoạch trong tương lai. Trong đó, nổi bật là những dự án theo xu hướng sinh thái, lấy thiên nhiên trù phú làm nền tảng để phát triển dài hạn.

Theo ghi nhận, NĐT sau thời điểm dịch đến với thị trường BĐS nơi đây cũng có những "khẩu vị" khác. Họ quan tâm nhiều đến phân khúc mang lại độ an toàn cao, khoảng cách hợp lý với sân bay quốc tế Long Thành để hình thành nên cộng đồng dân cư hiện hữu. NĐT cũng bắt đầu đón sóng thị trường bằng cách chậm dãi, bỏ dòng tiền lâu dài thay vì lướt sóng như mấy năm về trước.

Tuy vậy, câu chuyện đầu tư hạ tầng giao thông tại khu vực này vẫn là những mắc xích quan trọng mà nhà đầu tư quan tâm, nhất là đối với sự phát triển của BĐS công nghiệp, từ đó kéo theo sự phát triển của BĐS nhà ở. Vì thế, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh câu chuyện hạ tầng giao thông hơn nữa để bắt kịp với sự phát triển đồng bộ của thị trường BĐS nhà ở trong tương lai.