Tránh hình thành cơ chế xin-cho
Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; việc triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành (theo Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội).
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, viện dẫn thực tế triển khai Vành đai 4 Vùng Thủ đô cho thấy có “rất nhiều vướng mắc”. Trong đó, có rất nhiều văn bản phải xin ý kiến các bộ, ngành. Trước tình hình đó, lãnh đạo thành phố họp và quyết định chủ động tháo gỡ vướng mắc, không xin ý kiến nữa.
Theo ông, các chính sách trong nghị quyết thí điểm lúc này là cần thiết, tuy nhiên cần cập nhật tình hình thực tế để giải quyết triệt để các vướng mắc trong các dự án PPP.
Một số ĐB cũng đề nghị bỏ tất cả các phụ lục (danh sách các dự án) kèm theo ở 5 chính sách thí điểm nhằm đảm bảo tính nhất quán trong pháp luật, tránh hình thành cơ chế xin-cho. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu ví dụ, trong chính sách 1 (dự thảo Nghị quyết) quy định tỷ lệ vốn nhà nước khi tham gia dự án PPP là 70%. Theo ông, chính sách này có kèm theo phụ lục là áp dụng cho 1 dự án ở tỉnh Thái Bình. “Như thế là manh mún và có thể làm nảy sinh cơ chế xin-cho”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến nay toàn bộ diện tích xây dựng dự án giai đoạn 1 sân bay Long Thành đã được bàn giao đầy đủ.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt vấn đề: Vì sao các dự án này lại lọt vào danh sách và ai chịu trách nhiệm về danh sách này?
Theo ông Nghĩa, cần khảo sát ngay các dự án “có nhu cầu tương tự” để quy định ra một số nguyên tắc tiêu chí chung. Quốc hội giao toàn quyền cho Thủ tướng xét duyệt, quyết định và chịu trách nhiệm về danh sách thông qua. Sau này các dự án giao thông trọng điểm đầu tư theo hình thức PPP sẽ được tự động áp dụng cơ chế này, không phải đi xin nữa.
Chậm 3 năm “rất đáng báo động”
Tại tổ thảo luận, ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) lo lắng khi tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chia sẻ với Chính phủ khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 nhưng theo bà, để chậm trễ đến 3 năm là rất đáng báo động.
ĐB Yên cho rằng, nếu được thông qua chủ trương dự án thì Chính phủ phải đưa giải pháp cụ thể để hoàn thành dự án theo đúng mốc thời gian đã đề ra. Bên cạnh đó, cần lưu ý phải ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người dân trong dự án, tránh để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người.
ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM) nhận định, việc gia hạn thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đến năm 2024 chắc chắn sẽ ảnh hưởng chung đến lộ trình thực hiện giai đoạn 1.
“Nếu việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án mà không điều chỉnh thời gian thực hiện hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 thì có bảo đảm tiến độ giai đoạn 1 không”, ông Hiển nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, tiến độ chung “đang kiểm soát được”. Theo ông, nếu dự án có chậm cũng sẽ không quá một năm.