Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT từng được xem là nút thắt tháo gỡ cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm ở các thành phố lớn và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp địa ốc mở rộng quỹ đất. Tuy nhiên, sau nhiều vướng mắc, hiện nay việc triển khai dự án BT đã giảm dần tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ngày 15/8/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các dự án triển khai theo hình thức này.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình triển khai, Nghị định này lại vướng phải khá nhiều luật khác nhau, thiếu đồng bộ giữa quy định về khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng bằng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất (theo Luật Đất đai); và quy định sử dụng quỹ đất để thanh toán dự án BT (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).
Một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP là việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Trong đó, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường, theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; Giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
Nguyên tắc ngang giá đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg trước đây; tuy nhiên bên cạnh đó còn có quy định cho phép thanh toán bù trừ, trường hợp giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư nộp phần chênh lệch vào ngân sách nhà nước.
Quy định này có kẽ hở là không khống chế mức độ chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công để thanh toán với giá trị dự án BT. Trong thực tế, đã có hiện tượng sử dụng giá trị quyền sử dụng đất lớn hơn giá trị dự án BT rất nhiều lần. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều dự án BT hiện nay không thể hoàn thành đúng tiến độ.
Theo ghi nhận, tại Tp.HCM có một số dự án đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trên 90%, hoàn thành tiến độ dự án gần 50% nhưng do vướng mắc về khâu định giá đất ngang nhau, dẫn đến doanh nghiệp không được giao đất và thiếu vốn để tiếp tục triển khai dự án.
Về thời điểm sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, theo quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg, việc thanh toán quỹ đất được thực hiện đồng thời hoặc sau khi hoàn thành dự án BT. Quy định này cũng chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng các dự án BT triển khai rất chậm hoặc không thực hiện, trong khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có quyết định giao đất, cho thuê đất đối với quỹ đất thanh toán và nhà đầu tư chỉ chú tâm thực hiện dự án khác trên quỹ đất được thanh toán để bán tạo lợi nhuận.
Ngoài ra, một số vướng mắc tại hình thức đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT cũng đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tháo gỡ nhiều lần. Thế nhưng thực tế cho thấy, để đẩy nhanh việc tháo gỡ các khúc mắc nói trên cần rất nhiều thời gian. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", không còn mặn mà với hình thức này.
Những vướng mắc trong hợp đồng dầu tư xây dựng theo hình thức BT khiến cho nhiều khu đất vàng ở Tp.HCM vẫn chưa thể khai thác, sử dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên nhiều năm liền.
Theo Sở GTVT Tp.HCM, phần lớn các công trình trọng điểm chậm tiến độ thực hiện so với dự kiến, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện để tiếp tục triển khai thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, năng lực quản lý điều hành dự án của các chủ đầu tư còn hạn chế. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa được thực hiện tốt.
Hiện nay, các chủ đầu tư chưa lập tiến độ chi tiết từng dự án giao thông trọng điểm theo yêu cầu tại Công văn số 3336/SGTVT-KH của Sở GTVT. Việc này ảnh hưởng đến công tác theo dõi, quản lý tiến độ từng dự án.
Chính vì vậy, Sở GTVT đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương rà soát, lập tiến độ thực hiện chi tiết của từng công trình, dự án trọng điểm trên cơ sở tình hình thực tế, năng lực các nhà thầu tham gia, khả năng bố trí vốn. Việc này nhằm đảm bảo nguyên tắc khoa học, tuân thủ trình tự thực hiện, trình tự tổ chức thi công theo quy định. Sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án.
Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, Sở GTVT sẽ tổng hợp báo cáo UBND Tp.HCM xem xét và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Theo các chuyên gia kinh tế tại Tp.HCM, cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại các điều khoản trong những hợp đồng BT mà Tp.HCM đã ký với doanh nghiệp để tránh gây thiệt hại, thất thoát cho thành phố. Khi doanh nghiệp báo cáo tiến độ dự án thì các cơ quan liên quan cũng cần nghiệm thu, khảo sát kỹ lưỡng dự án, tránh những kết quả sai lệch giữa thực tế và "trên giấy".