Vụ án Vạn Thịnh Phát: Áp dụng công nghệ để giải quyết quyền lợi cho bị hại

Giúp người bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát yên tâm được giải quyết bồi thường, yên tâm "ngồi ở nhà" và đợi đến lượt được giải quyết

Đây là yêu cầu của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đặt ra tại buổi làm việc giữa Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM chiều 11-12. Buổi làm việc nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn TP HCM.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thống nhất cao quan điểm của Bộ Tư pháp. Đó là phải có Ban Chỉ đạo liên ngành tổ chức thi hành và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo đó, Ban Chỉ đạo này sẽ huy động lực lượng để tham gia thi hành án trong vụ án Vạn Thịnh Phát trong thời gian tới.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Áp dụng công nghệ để giải quyết quyền lợi cho bị hại

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh cần có nguồn lực đảm bảo tương xứng. Đồng thời, phải có một kế hoạch cụ thể để hơn 43 ngàn người bị hại trong vụ án này yên tâm, được giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu trong quá trình bồi thường, cần áp dụng công nghệ để liên lạc với những bị hại. Qua đó, giúp người bị hại yên tâm được giải quyết bồi thường. Ông nhấn mạnh phải giúp người bị hại yên tâm "ngồi ở nhà" và đợi đến lượt được giải quyết.

Bí thư Thành ủy TP HCM bày tỏ tin tưởng Bộ Tư pháp và TP HCM sẽ phối hợp tốt và hoàn thành tốt công tác thi hành án trong vụ án Vạn Thịnh Phát và các nhiệm vụ khác.

Trước đó, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã báo cáo tình hình chuẩn bị và dự báo những thách thức trong công tác thi hành án trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Ông Mai Lương Khôi đánh giá đây là vụ thi hành án lớn nhất trong lịch sử thi hành án.

Cụ thể, ở giai đoạn 1 của vụ án, Cơ quan thi hành án TP HCM phải tổ chức thi hành tổng số tiền là hơn 22.000 tỉ đồng, hơn 1.000 bất động sản, hơn 1 tỉ cổ phần và các tài khoản đã phong tỏa.

Đối với giai đoạn 2, Cơ quan thi hành án TP HCM có nghĩa vụ phải thi hành hơn 31.000 tỉ đồng; bồi thường cho hơn 43.000 người.

"Tổng số tiền và tài sản mà Cơ quan thi hành án TP HCM phải tổ chức thi hành liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát là trên 50.000 tỉ đồng. Số tiền này bằng 1/3 tổng số tiền mà Cơ quan thi hành án phải thi hành trong năm 2024. Khối lượng công việc và giá trị tài sản phải thi hành trong thời gian tới là khổng lồ. Đây là một thách thức rất lớn!" - Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu.

Về khó khăn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết khối lượng bất động sản phải xử lý đặc biệt lớn; nằm hầu hết các quận, huyện của TP HCM. Ví dụ ở quận 1 có 144 tài sản, quận 3 có 291 tài sản, huyện Nhà Bè có 518 tài sản...

Loại bất động sản rất đa dạng và phức tạp (tòa nhà chung cư, hơn 5 tòa nhà văn phòng lớn; đất nông nghiệp, đất nhà ở riêng lẻ…). Có nhiều tài sản không đứng tên trực tiếp của bà Trương Mỹ Lan, không đứng tên Vạn Thịnh Phát mà đứng tên người khác.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Thành ủy, UBND TP HCM đặc biệt quan tâm chỉ đạo kịp thời đối với việc tổ chức thi hành án này; kịp thời xử lý, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của thành phố, nhất là các vướng mắc về pháp lý tài sản.