JLL Việt Nam vừa công bố báo cáo về thị trường bất động sản, theo đó, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất 5 năm: Mặc dù vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ đạt 8,91 tỷ USD trong quý 1/22, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, vốn giải ngân đạt 4,42 tỷ, tăng 7,8% so với cùng kỳ và là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Singapore tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về số vốn đầu tư vào Việt Nam, đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn FDI.
Tiếp theo là Hàn Quốc đứng thứ 2 với 1,61 tỷ USD. Đan Mạch xếp thứ 3 với 1,32 tỷ USD từ dự án nhà máy LEGO tại Bình Dương. Trong 18 ngành thu hút đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 5,3 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ USD, chiếm 30,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện.
Tính tới cuối tháng 3, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 đạt 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2022 là 1.177,9 nghìn tỷ đồng (bao gồm vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm), tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2022 bình quân một tháng có 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; 17.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Kết quả điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I/2022. Đây là kết quả quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thị trường đất khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn miền Bắc tại các tỉnh thành Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hưng Yên trong quý I.
Theo đó, sự kiện khởi công khu công nghiệp Thuận Thành I, Bắc Ninh đã đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường ngay trong quý đầu năm mới, bổ sung thêm 160 ha đất cho thuê, nâng tổng diện tích quý đất công nghiệp tại miền Bắc lên hơn 10.024 ha. Trong khi đó, đối với nhà xưởng xây sẵn, thị trường không ghi nhận nguồn cung mới, tổng nguồn cung tại khu vực miền Bắc vẫn ổn định ở mức 2,2 triệu m2.
Đáng chú ý, dù tiếp tục ghi nhận ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 do số ca nhiễm tăng mạnh, sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng ấn tượng. Dòng vốn FDI chảy vào bất động sản khu công nghiệp và hoạt động sản xuất ở phía Bắc thể hiện mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý vừa qua. Đơn cử như các dự án VSIP Bắc Ninh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD, dự án nhà máy chế tạo của Tập đoàn Goertek tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh tăng vốn gần 306 triệu USD.
Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp hiện duy trì ở mức 80%, tăng nhanh so với mức 75% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn cũng tiếp tục ở mức cao, đạt 98%.
Giá thuê đất khu công nghiệp trung bình ở mức 109 USD/m2 mỗi chu kỳ thuê, giảm nhẹ so với quý trước do giá thuê ưu đãi hơn tại một số vị trí kém thuận lợi và muốn đẩy nhanh tốc độ lấp đầy. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá thuê vẫn giữ đà tăng nhanh với mức tăng 9,2%. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn không đổi theo quý, đạt mức 4,7 USD/m2 mỗi tháng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Biểu đồ tổng nguồn cung và giá thuê thị trường khu công nghiệp miền tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương trong quý I. (Ảnh: JLL Việt Nam).
Về triển vọng thị trường, JLL dự đoán khu công nghiệp phía Bắc sẽ tiếp tục là lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào việc mở cửa đường bay, áp dụng hộ chiếu vắc-xin để phục hồi nền kinh tế và các nỗ lực thu hút đầu tư của địa phương.
Nguồn cung trong năm 2022 hứa hẹn sẽ dồi dào khi các tỉnh giáp Hà Nội đều có kế hoạch triển khai khu công nghiệp trên địa bàn. Điển hình là việc khu công nghiệp Xuân Cầu, Hải Phòng đã được Khu kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư. Cùng lúc, các khu công nghiệp Bình Giang 2, Thanh Hà và Kim Thành đã được bổ sung vào quý hoạch khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương. Tại Hưng Yên, khu công nghiệp số 5 đã được phê duyệt quý hoạch 1/500.
Ở thị trường nhà xưởng xây sẵn, một số dự án nổi bật dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong năm nay như Khu nhà kho và nhà xưởng xây sẵn GD.1 của liên doanh KTG-BKIM tại khu công nghiệp Yên Phong II-C, khu nhà xưởng xây sẵn GD.3 của BW Industrial tại VSIP Hải Dương.
#/von-fdi-chay-manh-vao-bat-dong-san-cong-nghiep-mien-bac-20220429141036464.chn