Năm 2020, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 31.068 tỷ đồng. Trong đó, gần 28.600 tỷ đồng doanh thu tài chính đến từ lãi chuyển nhượng công ty con và thanh lý các khoản đầu tư tài chính, cùng kỳ 2019 là khoảng 11.300 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Vingroup thuyết minh các giao dịch này như sau:
- Năm ngoái, Vingroup đã góp 99,8% vốn điều lệ vào CTCP Kinh doanh Bất động sản MV Việt Nam (Công ty MV), sau đó chuyển nhượng lại 80% sở hữu trong công ty với tổng giá 8.799 tỷ đồng. Lãi chênh lệch từ giao dịch ghi nhận 7.148 tỷ đồng. Tổng giám đốc của Công ty MV Việt Nam hiện là ông Nakagawa Kyosuke (Nhật Bản), ông này là Tổng giám đốc phụ trách bất động sản, hạ tầng… của Tập đoàn Mitsubishi tại Việt Nam.
- Vingroup cũng thành lập Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản MV1 Việt Nam (Công ty MV1) rồi chuyển nhượng 80% sở hữu trong công ty này với giá 9.651 tỷ đồng, ghi lãi 6.785 tỷ đồng. Tuy không còn giữ quyền kiểm soát nhưng Vingroup vẫn có ảnh hưởng đáng kể lên Công ty MV1. Công ty MV1 có vốn điều lệ 12.064 tỷ đồng, hiện 80% thuộc sở hữu bởi CTCP Drigp 2 (Nhật Bản), đơn vị có mối liên hệ đến tập đoàn Mitsubishi.
Hai giao dịch trên liên quan đến việc chuyển nhượng dự án thành phần tại khu đô thị VinHomes Grand Park.
- Vingroup thành lập CTCP Kinh doanh Bất động sản S-Vin Việt Nam (Công ty S-Vin) sau đó chuyển nhượng 90% với giá 3.273 tỷ đồng, thu lãi 2.948 tỷ đồng. Tổng giám đốc của S-Vin hiện là ông Morita Naohiro, ông này đồng thời là Tổng giám đốc Samty Việt Nam (công ty Nhật Bản). Đầu năm nay, Vinhomes và Samty ký hợp tác cùng phát triển dự án The Sakura – Vinhomes Smart City (Hà Nội) xây dựng 4 tòa căn hộ trong khu đô thị Vinhomes Smart City.
Như vậy, 3 công ty bất động sản được Vingroup lập trong năm 2020 đều đã được bán lại cho các tập đoàn Nhật Bản, thu lãi 16.881 tỷ đồng.
Bản chất đây là các giao dịch bán buôn bất động sản tại các đại đô thị mà Vingroup triển khai trong vài năm gần đây. Tuy nhiên do cấu trúc giao dịch là chuyển giao cổ phần của công ty nắm giữ dự án nên theo quy định được ghi nhận vào doanh thu tài chính.
Các giao dịch bán buôn giúp tập đoàn nhanh chóng có được dòng tiền mà vẫn đảm bảo biên lợi nhuận. Trong khi đó, pháp lý về đất đai là một trong những vướng mắc lớn đối với các chủ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chiến lược bán buôn được Vinhomes triển khai khi công ty này có đầy đủ tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho những khu đô thị rộng lớn, có vai trò kiến tạo cho các chủ đầu tư khác triển khai dự án của mình.
Bên cạnh các giao dịch bán buôn lớn, Vingroup cũng cho biết đã bán đi 40% sở hữu trong Công ty Việt Thắng, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trước thuộc sở hữu của CTCP Hùng Vương (vua cá tra). Vingroup mua cổ phần Việt Thắng năm 2018, vừa rồi bán lại với giá 1.285 tỷ đồng, lãi ghi nhận 627 tỷ đồng.
Vingroup đã chuyển nhượng 25% sở hữu trong Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (Công ty Du lịch Phú Quốc) với giá chuyển nhượng 1.950 tỷ đồng, lãi 1.405 tỷ đồng.
Giao dịch này không bao gồm một cấu phần hợp tác của Vingroup và Công ty Du lịch Phú Quốc (khách sạn, sân golf, biệt thự thuộc khu Bãi Dài và vườn thú Vinpearl Safari – Phú Quốc). Tổng tài sản của cấu phần hợp tác này hơn 14.600 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, Vingroup vẫn tích cực với các giao dịch thâu tóm công ty như thường lệ.
Tháng 12/2020, tập đoàn hoàn tất mua 96,5% cổ phần Công ty Đầu tư Bảo Lai (Công ty Bảo Lai) giá phí 2.780 tỷ đồng, đây là công ty khai thác kinh doanh đá tỉnh Yên Bái có tổng tài sản được xác định 2.155 tỷ đồng. Một công ty khai thác tài nguyên khác được Vingroup mua lại là Hương Hải – Quảng Ngãi với giá 450 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bất động sản sở trường, Vingroup chi 4.600 tỷ đồng mua Công ty Đại An, chi 880 tỷ đồng mua Công ty Đầu tư Phát triển Nguyên Phú. Trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, Vingroup chi 9.153 tỷ đồng mua Công ty Du lịch Hòn Một và Công ty Đầu tư Cam Ranh.