Khá nhiều nhà đầu tư (nhất là những nhà đầu tư đang ôm hàng BĐS) kì vọng sẽ có đợt "sóng" về giá và giao dịch vào cuối năm nay. Đây cũng là tình hình dễ thấy trên thị trường BĐS những năm qua, khi "sóng" thường xuất hiện vào thời điểm đầu năm hoặc cuối năm.
Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường chưa phục hồi hẳn sau Covid-19 cũng như những chính sách về tín dụng, thuế dù đã "cởi mở" hơn nhưng chưa hẳn vào riêng thị trường BĐS, khiến nhiều chuyên gia đặt hoài nghi, thị trường BĐS khó đạt được mức tăng trưởng mạnh vào cuối năm 2022.
Dẫu vậy, với nhà đầu tư, tâm lý kì vọng thị trường "bật dậy" vào cuối năm là điều dễ hiểu. Bởi, suốt những tháng qua, thị trường BĐS như chiếc lò xo bị nén do chính sách, trong khi nhu cầu tìm kiếm BĐS vẫn còn lớn, khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng, sẽ có đợt sóng giao dịch xuất hiện trong thời gian tới.
Đang ôm 3 mảnh đất nông nghiệp tại tỉnh lân cận Tp.HCM, anh D (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) kì vọng sẽ hốt chênh bạc tỉ vào giai đoạn cuối năm nay, mặc dù trước đó anh đã rao bán nhưng chưa có người hỏi mua. Nhà đầu tư này cho biết, thời điểm cuối năm thường hoạt động mua bán sẽ nhộn nhịp trở lại, trong đó có những nguồn hàng "ngộp" cũng được nhà đầu tư tài chính tốt vào mua. "Thị trường thời gian gần đây chững lại do chính sách tín dụng, hiện đã nới room thì hoạt động mua bán BĐS sẽ hồi lại vào cuối năm nay hoặc ít nhất đầu năm sau. Chưa kể, hiện nguồn cung đất nền "sạch" cũng đã khá khan hiếm", anh D khẳng định.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, đất nền vốn là phân khúc đầu tư được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng trong danh mục đầu tư. Tuy vậy, thời gia qua, phân khúc này thanh khoản chậm hẳn do tác động bởi chính sách tín dụng. Báo cáo quý 2/2022 của Batdongsan.com.vn chỉ ra, thị trường đất nền chứng kiến cảnh trầm lắng khi mức độ quan tâm cũng như lượng giao dịch có sự giảm sút rõ rệt. Cụ thể, tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá năm 2021.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư kì vọng cuối năm, khi tâm lý thị trường ổn định, hoạt động mua bán sẽ trở lại trạng thái bình thường. Đặc biệt, thông tin nới tín dụng có thể khiến thị trường BĐS ấm dần lên từ thời điểm cuối năm trở đi. Bà Lê Thị Thanh Hằng – CEO, VietnamGroove cho rằng, mặc dù hạn mức tín dụng được cấp thêm có thể không quá nhiều (gần 200 nghìn tỷ đồng) nhưng đây sẽ là điều kiện quan trọng giúp thị trường BĐS dần trở nên năng động hơn.
"Việc nới room tín rộng sẽ có những tác động khác nhau đến các chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua với nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, tác động nhìn chung là tích cực, có tác dụng như một liều "doping" cho thị trường", bà Hằng khẳng định.
Theo bà Hằng, với các nhà đầu tư, có những người đang mang tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) – sợ cơ hội sẽ qua đi và không thể tận dụng được. Những người này có thể mang niềm tin rằng kinh tế vĩ mô đang duy trì được đà hồi phục sau đại dịch, một giai đoạn tăng trưởng mới đang bắt đầu. Vậy nên, họ sẽ tìm cách dùng đòn bẩy tài chính sớm và phù hợp nhất để hướng đến các mục tiêu lợi nhuận về sau. Xét các dữ liệu thực tế của các hoạt động kinh tế trong thời gian vừa qua thì niềm tin đó là có thể hiểu được.
Trong khi đó, người mua nhà với nhu cầu ở thực cũng sẽ có thêm điều kiện để đạt được giấc mơ an cư. Khi mà giá bất động sản vẫn duy trì đà tăng (phân khúc căn hộ tăng trung bình khoảng 5-10%/năm) thì người mua ở thực sẽ có những động thái nhằm nỗ lực mua nhà sớm nhất có thể.
"Dù vậy, chúng tôi nhận định rằng những tác động tích cực sẽ không diễn ra quá nhanh mà cần có thời gian phù hợp. Một nguyên nhân quan trọng là nguồn vốn tín dụng mới sẽ được ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trong khi đó bất động sản vẫn là lĩnh vực đang được các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo sát các diễn biến nhằm điều tiết dòng tín dụng một cách thận trọng và hiệu quả nhất", vị này nhấn mạnh.
Ghi nhận cho thấy, có khá nhiều nhà đầu tư kì vọng đẩy hàng vào cuối năm. Tại một số khu vực từng diễn ra các đợt "sóng" của thị trường như Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu hay xa hơn là Bình Thuận, Bình Phước… dự báo, hoạt động mua bán có thể trở lại vào cuối năm nay. Trong đó, nguồn hàng tồn từ nhà đầu tư chưa ra được sẽ được đẩy lên mặt bằng giá mới.