Nếu như cuối năm 2018, 2019 thường diễn ra sốt đất nền tại các tỉnh, đất ven biển thì nay do dịch Covid-19 cùng với thị trường BĐS nghỉ dưỡng trầm lắng đã khiến đất đô thị đang trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư. Đây cũng là lý do vì sao vài tháng trở lại đây đất Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì...bỗng nhiên sốt nóng.
Cụ thể, từ giữa tháng 10/2020, khu vực huyện Thanh Trì xôn xao thông tin dự kiến lên quận sẽ rút ngắn thời gian thay vì năm 2025 khiến một đất nền một số xã Từ Hiệp, Đông Mỹ, Yên Mỹ tăng gấp đôi so với hồi giữa năm. Đặc biệt khu vực Tứ Hiệp được cho sẽ là trung tâm hành chính quận, chính vì thế giá đất ở khu vực này cũng tăng nhanh nhất trong thời gian qua.
Khảo sát cho thấy, đất tại khu vực giáp QL1A cũ có giá cao nhất, dao động từ 50 - 60 triệu đồng/m2 nếu có đường rộng ô tô đỗ cửa. Nhiều lô đất trong ngõ khu vực Tứ Hiệp, Văn Điển nếu trước đây giá chỉ ở mức 25 triệu đồng/m2 thì nay đã lên tới 20 - 30 triệu đồng/m2.
Lý giải nguyên nhân đất tăng giá môi giới cho biết do dịch bệnh các thị trường đất nền vùng ven im ắng cùng với đó BĐS nghỉ dưỡng cũng không còn hấp dẫn, người có tiền đầu tư vào đâu cũng rủi ro nên có xu hướng mua đất để đó chờ tăng giá. Nhưng cái chính là có thông tin huyện Thanh Trì sẽ lên quận trong thời gian tới.
Cũng giống Thanh Trì, cách đây 2 tháng đất Hoài Đức cũng bị đẩy giá lên cao. Khảo sát tại nhiều sàn bất động sản tại khu vực Hoài Đức cho thấy một loạt dự án bất động sản tại đây khu đô thị Geleximco, Lideco, Nam An Khánh, Vườn Cam, Thiên Đường Bảo Sơn… vốn nằm yên ắng gần 1 thập kỷ qua, nay bỗng nhiên tăng giá trở lại.
Biệt thự hoang tại Khu đô thị Hoa Phượng đang được rao bán với giá hơn 40 triệu đồng/m2.
Tại một số khu như Nam An Khánh môi giới đưa ra giá bán tăng 30 - 40% chỉ trong vòng nửa năm, đẩy giá lên khoảng 40 triệu đồng/m2. Tại khu đô thị Geleximco giá đã tăng 30% so với hồi đầu năm nay. Còn tại khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn nếu như chỉ tháng 6 những căn biệt thự song lập 200m2 xây thô bỏ hoang cả thập kỷ được rao bán với giá hơn 8 tỷ đồng/căn thì đến nay đã tăng hơn 10 tỷ. Ngay gần đó, khu biệt thự Hoa Phượng bỏ hoang giá cũng được đẩy lên 35 triệu đồng/m2 so với mức 25 triệu đồng/m2 năm ngoái
Tâm điểm tăng giá đất tại Hoài Đức phải kể đến khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Nơi đây mới có lác đác vài dãy nhà xây thô đã hoen rỉ, nhiều năm qua không ai ngó ngàng tới nhưng cách đây 2 tháng, giao dịch ở đây bỗng nhiên trở nên nhộn nhịp. Nhiều lô bị thổi giá lên hơn 50 triệu đồng/m2. Thậm chí, theo lời các môi giới, giá còn có thể tăng tới 80 triệu đồng/m2.
Giá tăng được lý giải do huyện Hoài Đức đang chuẩn bị lên quận. Cùng với đó, tuyến đường Vành đai 3,5 nối Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 32 đang triển khai. Tuy nhiên, một môi giới nhiều kinh nghiệm ở khu vực này cho biết giá tăng mạnh chỉ trong vài tháng là bất thường bởi ở khu vực này, các tiện ích dịch vụ chưa có chuyển biến gì. Nhiều ô biệt thự, liền kề tương lai vẫn chỉ là bãi đất thả trâu.
Sau Hoài Đức, giá đất tại các huyện Đan Phượng cũng tăng chóng mặt. Với thông tin phát triển huyện thành quận, thị trường bất động sản Đan Phượng đang được đẩy giá. Tại khu đô thị The Phonenix Đan Phượng, nếu chỉ cuối năm 2019 giá đất nền chỉ 15-17 triệu/m², nhưng nay tăng lên 25-30 triệu đồng/m². Đất mặt tiền quốc lộ 32 cuối năm 2017 chào bán 50-60 triệu đồng/m², nay đang được chào giá 100-120 triệu đồng/m².
Không chỉ sốt đất dự án mà đất ruộng, đất vườn cũng đang được môi giới chào khách với giá từ 500 nghìn- 1 triệu đồng/m2 tại các xã thuộc huyện Đan Phượng như Hạ Mỗ, Thượng Mỗ, Trung Châu... Đặc biệt tại xã Tân Hội khu vực giáp danh với dự án Vinhomes Đan Phượng các lô đất giãn dân cũng đang được đẩy giá lên đến 30-40 triệu đồng/m2 đối với đất mặt đường lớn với cam kết có sổ đỏ.
Theo chia sẻ của chính giới đầu tư nhiều kinh nghiệm trên thị trường, hiện nay các môi giới thường lợi dụng tâm lý "mùa dịch Covid-19 nên đầu tư vào đâu" để thổi giá bất động sản. Bởi nhà đất vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn, ít biến động khó lường như vàng, chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước sự tăng giá bất thường của các bất động sản.
"Nếu giá tăng 1 - 2% được coi là hợp lý, còn hiện tượng này là "làm giá", kích thích thông tin để trục lợi", ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay.