Ngược với dự báo, đến thời điểm hiện tại nhiều yếu tố tích cực của thị trường đang thúc đẩy tâm lý giữ tài sản của NĐT thay vì "vội vàng" bán ra.
Chia sẻ trên báo chí, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, hiện tại thị trường BĐS vẫn không có làn sóng bán giảm giá, cắt lỗ mà chỉ có các sản phẩm rao bán có đàm phán. Một số khu vực được dự báo giảm giá 5-7% giai đoạn cuối năm cũng không diễn ra. Mức giảm bình quân 5-10% trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) được cho là cá biệt, không đại diện cho toàn thị trường. Trong khi đó, đà tăng giá nhà đất trên thị trường sơ cấp vẫn chưa bị chặn đứng, thậm chí tài sản liền thổ tăng hai con số.
Ngược lại, tâm lý của NĐT hiện đang rất tốt khi thị trường xuất hiện các thông tin, hạ tầng quy hoạch tích cực. Đáng chú ý là thông tin thành lập Tp.Thủ Đức là tín hiệu tích cực kích giá BĐS khu Đông và tâm lý của NĐT. Cụ thể, căn hộ khu Đông có giá chào bán tương đối cao và tăng 15-20% so với đầu năm, nhưng mức độ tiêu thụ của thị trường khá tốt.
Nói về việc NĐT vẫn giữ tài sản, không bán tháo bán lỗ, vị chuyên gia này cho rằng, thực tế người Việt Nam rất thích sở hữu tài sản là BĐS. Trong lúc dịch bệnh, họ vẫn tranh thủ đi mua BĐS làm tài sản để dành phòng ngừa, chưa kể có phong trào "bỏ phố về vườn". Vì thế, nhìn tổng thể nhu cầu thực tế còn khá lớn khiến thị trường khó giảm giá cũng như việc NĐT vội vàng bán ra.
Ngoài ra, theo ông Quang, thời gian 6-9 tháng khó khăn chỉ khiến các nhà đầu tư lướt sóng chọn giải pháp ngủ đông chờ thời chứ chưa "buông xuôi" hay bán tháo BĐS. Mặt khác, cuộc khủng hoảng BĐS thập kỷ trước, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưỡng. Còn Covid-19 xuất hiện khi lãi suất ngân hàng ở mức thấp đã phần nào giảm thiểu được làn sóng bán tháo, giảm giá tài sản.
Còn theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, nguồn cung thị trường khan hiếm cộng với các thông tin hạ tầng, quy hoạch tích cực đang khiến tâm lý của NĐT BĐS giữ vững. Thay vì bán tháo, bán lỗ, NĐT lựa chọn hình thức giữ tài sản để đợi cơ hội tốt hơn trong tương lai.
Cùng quan điểm, ông Lê Quốc Kiên, một NĐT kì cựu trong đầu tư BĐS cho rằng, do lãi vay thấp nên nhà đầu tư cá nhân vẫn đang gồng BĐS được. Một phần là nhà nước bơm hạ tầng và bơm chính sách nên BĐS được thúc đẩy nhờ kì vọng của nhà đầu tư.
Khi được hỏi, liệu giá BĐS có giảm trong thời gian tới, NĐT này cho rằng, giá BĐS không giảm thẳng nhưng sẽ giảm so với trượt giá và lãi vay ngân hàng. Ví dụ tài sản 5 tỉ, sau hai năm nếu vẫn giữ giá 5 tỉ đến 5.5 tỷ thì thực tế đã mất 10% đến 20 % giá trị (vì lạm phát trong thời điểm dịch này sẽ không dưới 10% một năm). Đây là đối với các tài sản có giá trị sử dụng được ngay (nhà phố, căn hộ đã bàn giao,...).
Với các tài sản không sử dụng được ngay mà mang tính chất đầu tư lâu dài, khi rơi vào giai đoạn mất thanh khoản sẽ rớt giá nhiều hơn, nhưng không thể rớt dưới giá trị vay ngân hàng.
Chẳng hạn, đất Phan Thiết cách đây hai năm tăng từ 2 tỉ lên 4 tỉ trong ba tháng. Sau đó trầm lắng một thời gian dài nhưng chỉ rớt xuống 2,5 tỷ đến 3 tỉ. Vì khi giá lập đỉnh 4 tỉ, ngân hàng đã cho vay ra 2,5 tỷ đến 3 tỉ rồi. Vậy, nếu so với giá ban đầu 2 tỉ thì nó vẫn tăng cao hơn, nhưng so với giá đỉnh 4 tỉ thì đã giảm.
Theo các chuyên gia trong ngành, dịch Covid-19 là một biến cố bất ngờ và chỉ tác động trong một thời gian nhất định. Với riêng thị trường BĐS, hoạt động giao dịch tạm trì hoãn chỉ gây khó khăn cho những người thu lợi từ dịch vụ trực tiếp, chủ yếu là lực lượng môi giới BĐS. Với nền kinh tế, cấu trúc vẫn giữ nguyên, nhu cầu con người không thay đổi. Kinh tế hồi phục nhanh sẽ kéo theo sự khởi động trở lại của thị trường BĐS.
Chưa kể, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt được dịch bệnh, đây sẽ là tiền đề tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, giúp kinh tế nói chung và BĐS nói riêng sớm hồi phục khi dịch bệnh được đẩy lùi. Điều này càng khẳng định cho việc khó có làn sóng bán lỗ, bán tháo xảy ra trên thị trường BĐS ở hiện tại lẫn trong thời gian tới.