Vì sao giới đầu tư "săn" đất nền Nhơn Trạch?

Những lô đất dọc theo trục song hành cao tốc Bến Lức – Long Thành với mức giá từ 1.2 tỉ đồng/nền vẫn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư địa ốc, nhất là khi hàng loạt hạ tầng giao thông nghìn tỉ đang được đầu tư xây dựng tại đây.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Văn Tuấn, Giám đốc Sàn kinh doanh BĐS Phú Quang Minh, cho rằng không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19, giới đầu tư vẫn đổ về khu vực Nhơn Trạch tìm mua đất nền. Trong đó, những lô đất có sổ sàn giao dịch rất tốt, tập trung sức mua ở các nhà đầu tư khu vực Tp.HCM và lân cận. Những NĐT này thường "nhạy bén" vào đón đầu cơ sở hạ tầng đang dần hình thành tại khu vực, chốt lời thời điểm tốt. Trong khi người mua thực vẫn tìm kiếm các nền đất có sổ, xây được nhà ở ngay.

Vị Giám đốc này tiết lộ, hiện những nền đất có giá 1.2 -1.3 tỉ đồng/nền, nằm dọc tuyến đường Hùng Vương mở rộng, gần UBND xã, các khu công nghiệp và cảng Phước An đang được người mua ưa chuộng. Trong đó, đất nền có sổ từng nền, thổ cư 100%, xây dựng tự do, khi người mua công chứng sang tên ngay đang "hút" được lượng lớn NĐT và người mua thực quan tâm. Bởi tâm lý sở hữu đất nền "ăn chắc mặc bền" nhu cầu vẫn còn rất lớn trên thị trường BĐS.

Ông Tuấn cho biết, những NĐT có dòng tài chính tốt thường sẽ nhắm đến phân khúc đất nền, nhà phố ở khu vực mà có lợi thế về hạ tầng giao thông để đón đầu, bởi "nhìn xa, trông rộng" phân khúc này sức mua ở thực còn rất tốt. NĐT "nhanh nhạy" sẽ vào đón đầu lúc hạ tầng giao thông đang trên cơ sở phê duyệt chủ trương, khi hoàn thành mức độ tăng giá trị BĐS sẽ cao, cơ hội sinh lời tốt cũng từ đó mà ra. Đó là lý do, nhiều quỹ đất nền tại Đồng Nai hiện nay được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông lớn luôn được giới đầu tư địa ốc "nhòm ngó".

Vì sao giới đầu tư săn đất nền Nhơn Trạch? - Ảnh 1.

Đất nền có sổ vẫn được người mua săn đón

Có lẽ câu chuyện hạ tầng giao thông với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng đang trở thành "cú hích" lớn cho thị trường BĐS Đồng Nai nói chung, Nhơn Trạch nói riêng. Bên cạnh hạ tầng như sân bay, cầu Cát Lái thì về hướng cao tốc Tp.HCM - Long Thành – Dầu Giây hay cao tốc Bến Lức – Long Thành loạt hạ tầng giao thông đang được xúc tiến đầu tư, tạo nên đà bật lớn cho thị trường BĐS nơi đây.

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường JLL Việt Nam, nếu Bình Dương là đã thị trường phát triển mạnh mẽ của khu vực phía Nam thời gian qua thì Đồng Nai đang trên đà phát triển với loạt hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, đây là yếu tố then chốt để thị trường BĐS khu vực "trỗi dậy" mạnh mẽ trong thời gian tới, cơ hội đầu tư đón đầu của NĐT là rất khả thi.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 17, khóa VI, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt chủ trương xây cầu Phước An với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng. Cầu Phước An là cây cầu quan trọng để kết nối cảng biển Cái Mép - Thị Vải với cao tốc phía Nam. Cây cầu này là điểm cuối của đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư xong. Cầu này bắc qua sông Thị Vải để sang địa phận huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), từ đó nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây đang là tiền đề lớn kì vọng trở thành "cú hích" mạnh cho thị trường BĐS dọc cao tốc này.

Bên cạnh đó, theo bà Trần Thu Hạnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, năm 2020, trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường giao thông trọng điểm hoàn thành và đưa vào khai thác là 319 và liên cảng Phước An. 2 tuyến đường này không chỉ "giải cứu" tình trạng ách tắc giao thông, ngập nước tồn tại nhiều năm ở huyện Nhơn Trạch mà mở ra cơ hội phát triển thương mại - dịch vụ, logistics cho huyện. Từ đó thúc đẩy kinh tế khu vực, trong đó có BĐS phát triển ăn theo.

Vì sao giới đầu tư săn đất nền Nhơn Trạch? - Ảnh 2.

Hạ tầng giao thông mở rộng, đầu tư hàng nghìn tỉ đồng đang là "cú hích" lớn cho thị trường BĐS Nhơn Trạch

Cụ thể, đường liên cảng Phước An có chiều dài hơn 5km và có điểm đầu là đường 319 (trung tâm huyện Nhơn Trạch) chạy xuyên qua hầu hết các KCN trên địa bàn đến cảng Phước An. Đường này đưa vào khai thác giúp cho việc lưu thông hàng hóa ra cảng Phước An trở nên thuận lợi, rút ngắn quãng đường, rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ các KCN trên địa bàn huyện đến các cảng biển thuộc hệ thống cảng biển nhóm 5.

Đường 319 (từ trung tâm huyện Nhơn Trạch đến đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây), dự kiến hoàn thành và thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 12/2020 sẽ rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch đi Tp.HCM; tuyến đường này đóng vai trò kết nối 2 đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, giúp việc lưu thông hàng hóa bằng đường bộ thuận lợi hơn. Ngoài ra, tuyến đường này cũng góp phần chia tải lưu lượng các tuyến đường nội thị, quốc lộ 51 và cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang quá tải. Như vậy, khoảng cắt rút ngắn từ Nhơn Trạch đi Tp.HCM đang là lợi thế rất lớn, kì vọng thu hút dòng tiền của NĐT đổ vào thị trường BĐS nơi đây.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, việc hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường giao thông huyết mạch như: 319, liên cảng Phước An; đường 25C đoạn từ KCN đến trung tâm hành chính huyện, đường số 2, D9 sẽ tạo diện mạo cho đô thị Nhơn Trạch. Khi đi vào khai thác, các công trình này sẽ tạo thêm thế và lực cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, BĐS, đưa huyện Nhơn Trạch gần hơn với Tp.HCM, từ đó gia tăng kết nối hạ tầng, dịch vụ của huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy kinh tế phát triển, cơ hội cho NĐT vì thế cũng được mở rộng hơn.

Mới đây, khi được hỏi, lúc này nên đầu tư vào phân khúc nào thì sinh lời ổn định, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, với NĐT có tài chính hạn chế thì có khuynh hướng đầu tư vào tài sản có thể để dài hơi, đặc biệt phân khúc đất nền có sổ đỏ vẫn được ưu tiên.

Chẳng hạn, có trong tay tầm 1-3 tỉ đồng nếu mua căn hộ giá trị gia tăng không nhiều, mua nhà phố ở quận ven Tp.HCM thì rất nhỏ, nên NĐT có xu hướng chỉ ra mua đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM. Các nền đất có diện tích 50-60m2 có giá tầm 1.2 -1.5 tỉ đồng/nền (có thể là đất dân có sổ) thì họ sẽ kì vọng sau một năm giá trị miếng đất sẽ tăng lên 20-25%.

"Thực tế đã có khá nhiều NĐT mua miếng đất giá 2 tỉ đồng, sau 1 năm tăng giá lên 2.5 tỉ đồng là chuyện bình thường. Với việc tăng giá khoảng 20-25% trong vòng một năm trong khi lãi suất vay ngân hàng khoảng 8-10%, tiền gửi 5-6% thì bỏ tiền vào BĐS là cách nhiều NĐT lựa chọn", ông Khương nhấn mạnh.