Vì sao giá bất động sản khó giảm?

Dịch Covid-19 lần 4 tiếp tục gây ra những khó khăn nhất định cho nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng. Nhiều người lo ngại, với tình hình này, giá bất động sản (BĐS) khó có thể trụ vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều nhận định lại cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến BĐS khó giảm dù dịch Covid đang diễn biến phức tạp.

Ghi nhận cho thấy, sau cơn sốt đất hạ nhiệt cùng dịch Covid-19 xuất hiện đã làm đảo lộn mọi kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp BĐS cũng như nguồn cung dự kiến ra thị trường. Thời gian gần đây, nhu cầu tìm hiểu, giao dịch đất đai của người dân có phần giảm mạnh, nhiều khu vực đã xuất hiện giảm giá, cắt lỗ (không trên diện rộng).

Trong bối cảnh đó, một số nhà đầu tư cho rằng việc dịch bệnh tái bùng phát sẽ ảnh hưởng đến lực cầu của người dân. Điều đó sẽ khiến giá BĐS giảm trong ngắn hạn hoặc đi ngang, không lên trong khoảng 1-3 tháng tới.

Tuy nhiên, nếu xét trong trung, dài hạn, theo các chuyên gia trong ngành, BĐS sẽ không có chuyện giảm giá sâu hoặc đại trà. Mặc dù dịch đang hành hoành nhưng thị trường BĐS đang bị áp lực bởi nhiều yếu tố kép khác, khiến việc giảm giá là không thể đối với các CĐT, dự án. Cho nên, việc nhiều NĐT chờ đợi giá giảm sâu để vào "bắt đáy" theo các chuyên gia cũng rất khó diễn ra trong thời điểm này.

Giá vật liệu xây dựng tăng, giá BĐS khó giảm

Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép đã tăng 40-60% so với trước Tết, nhiều chủ đầu tư dự án buộc phải tăng giá BĐS do áp lực về giá đầu vào tăng. Điều này hết sức dễ hiểu. Thậm chí, theo một số dự báo, giá BĐS có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi giá vật liệu xây dựng tiếp tục đà tăng.

Một số chuyên gia dự báo, có thể giá căn hộ trong thời gian tới sẽ tăng lên khoảng 18-20%, trước tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng gấp đôi như hiện nay.

Trong hoạt động xây dựng, chi phí thép đầu vào chiếm khoảng 10-15% giá trị toàn công trình tùy theo tiêu chuẩn hoàn thiện của từng dự án. Có thể thấy, thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng. Với tốc độ tăng giá thép 40-50% như thời gian qua, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, các nhà thầu xây dựng cả nước có thể đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, kéo theo đó là giá nhà sẽ tăng cao là điều tất yếu.

Vì sao giá bất động sản khó giảm? - Ảnh 1.

Chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành phân tích, chi phí xây dựng chiếm trung bình 60% và tối đa 70% giá thành căn hộ, tùy dự án. Chẳng hạn với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí linh tinh chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60-70% (nếu tính riêng chi phí vật tư cơ bản như thép, sắt, cát, xi măng, đá chiếm 36%). Khi giá thép tăng gấp đôi trong những tháng qua có thể khiến giá trị công trình bị đội lên 18%.

Có thể hình dung một căn hộ dự toán trên sổ sách (lý thuyết) bán ra 30 triệu đồng một m2, khi thép tăng giá, có thể đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên 35 triệu đồng, căn hộ giá 40 triệu đồng sẽ bị tăng giá 47 triệu đồng. Tùy chủ đầu tư, nếu họ chia sẻ với khách hàng, giá nhà chào bán ra sẽ tăng ở biên độ vừa phải dưới 10%. Như vậy, giá nhà có thể đội lên 18-20% do vật liệu xây dựng tăng bất thường thời gian qua.

Nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm, giá nhà khó giảm đại trà

Theo bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, song giá BĐS sẽ khó giảm đại trà do nguồn cung vẫn còn khan hiếm. Chưa kể, chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng do giá đất tăng, chi phí VLXD tăng và thời gian triển khai dự án vẫn kéo dài.

"Tuy nhiên do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh kéo dài nên dòng tiền sẽ chậm lại, sẽ có hiện tượng giảm cục bộ ở một số phân khúc, đặc biệt là các sản phẩm thuần về nhu cầu đầu tư do hiện tượng bán cắt lỗ", bà Hương nhấn mạnh.

Theo đó, nữ CEO này cho rằng, thanh khoản thị trường theo đó sẽ giảm xuống. Tuy nhiên tâm lý người dân tích trữ tài sản trong BĐS vẫn rất cao. Cuối quý 2, đầu quý 3 thị trường sẽ chậm và tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái thận trọng do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng hy vọng quý 4/2021 sẽ có sự tăng tốc nếu dịch bệnh được kiểm soát và triển khai chích vaccine diện rộng.

Vì sao giá bất động sản khó giảm? - Ảnh 2.

Quả thực, nguồn cung trên thị trường BĐS vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, khi tình trạng khan hiếm cung mới vẫn kéo dài suốt 2 năm qua. Trong đó tình trạng pháp lý kéo dài cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung mới khó ra thị trường.

Theo báo cáo quý 1/2021 của DKRA Vietnam, thị trường đất nền dự án tại Tp.HCM tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới mở bán, giao dịch trên thị trường hiện tại chủ yếu tập trung ở nguồn hàng tồn kho các dự án mở bán những năm trước hoặc dự án đất dân hộ lẻ, quy mô nhỏ, do cá nhân tự đứng ra phân lô tách thửa để bán. Sức cầu chung toàn thị trường ở mức trung bình không có nhiều biến động so với giai đoạn cuối năm 2020. Trong khi ở khu vực giáp ranh nguồn cung cũng chỉ xuất hiện ở một số khu vực.

Tương tự, ở phân khúc căn hộ, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới giảm mạnh, quý 1 chỉ bằng 35% và 34% so với quý trước. Nguồn cung mới phân bổ không đồng đều giữa các khu vực, phần lớn chỉ tập trung ở khu Đông, chiếm đến 89% tổng nguồn cung mới toàn thị trường. Giá bán căn hộ ở một số quận cũ tại khu Đông tăng mạnh và xác lập mặt bằng giá mới, nhiều dự án chạm ngưỡng hạng sang.

Nguồn cung mới chủ yếu tập trung ở căn hộ hạng A, trong khi đó căn hộ hạng sang tăng đáng kể trong quý. Thị trường tiếp tục thiếu vắng sản phẩm căn hộ hạng C. Giao dịch thứ cấp ở mức trung bình chưa có nhiều đột biến, mặt bằng giá bán thứ cấp có chuyển biến tích cực vào cuối quý, giao dịch tập trung ở những dự án đã bàn giao nhà hoặc đã có sổ.

Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tại Hà Nội trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, trung bình nguồn cung mới ra thị trường chỉ đạt khoảng hơn 2.000 sản phẩm/quý. Đây là con số quá nhỏ cho một thành phố có gần 10 triệu dân. Đơn vị này cũng cho biết, trước, trong và sau dịch bệnh, một số dự án thuộc phân khúc chung cư bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp.

Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cũng cho thấy, giá căn hộ chung cư ở các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng.

Việc phê duyệt các dự án vẫn chưa được cải thiện nhiều khiến áp lực giá BĐS gia tăng

Liên đới với câu chuyện nguồn cung thì đây là yếu tố khiến nguồn cung khó ra thị trường cũng khiến giá BĐS xu hướng tăng lên, khó giảm.

Theo các chuyên gia, nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án BĐS, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu. Đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền. Theo đó, áp lực tăng giá là dễ hiểu.

Chia sẻ trên báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nguồn cung sụt giảm mạnh là bởi các dự án ở các thị trường lớn có sự chậm lại do sự phê duyệt của chính quyền. Không chỉ tại Hà Nội và Tp.HCM, phía Hiệp hội đã khảo sát các địa phương khác - nơi có thị trường BĐS đang phát triển, cũng rơi vào tình trạng như vậy.

Vì sao giá bất động sản khó giảm? - Ảnh 3.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam cho rằng, tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm hơn trước đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS khó khăn, bên cạnh do Covid -19.

Về vấn đề "ách tắc" pháp lý cũng liên tục được Hiệp hội BĐS Tp.HCM kiến nghị. Trước mắt, để tăng cung và giảm việc tăng giá BĐS bất thường cho thị trường BĐS, UBND các tỉnh cần sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có phát sinh) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp tái khởi động trở lại hàng trăm dự án BĐS đang "đắp mền".

Qua đó, giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh. Về lâu dài, cần phải có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư và quy trình thực hiện.