Vì sao doanh nghiệp địa ốc đua nhau phát hành cổ phiếu để chia cổ tức?

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vừa công bố ngày chốt quyền trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu cho cổ đông. Việc này được lý giải là vừa đảm bảo trả cổ tức cho cổ đông vừa giữ lại được lượng tiền mặt để thực hiện đầu tư, trong bối cảnh bị siết tín dụng và dịch COVID-19 bùng phát.

Đua nhau phát hành

Tập đoàn Novaland (NVL) sẽ phát hành gần 386 triệu cổ phiếu thưởng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị phát hành gần 3.860 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện là 555:198 (tương ứng cổ đông sở hữu 555 cổ phiếu được nhận về 198 cổ phiếu mới). Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NVL sẽ tăng từ 10.728 tỷ đồng lên 14.587 tỷ đồng.

 Vì sao doanh nghiệp địa ốc đua nhau phát hành cổ phiếu để chia cổ tức?  - Ảnh 1.

Novaland đang dồn sức phát triển các dự án quy mô ở các tỉnh.

Chưa kể, Novaland thông báo tiếp tục phát hành cổ phiếu thưởng lần thứ hai trong năm 2021 với tỷ lệ thực hiện dự kiến tối đa 1:0,29 (có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 29 cổ phiếu thưởng), đồng thời thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ thực hiện dự kiến tối đa 1:0,31 (100 cổ phiếu nhận tối đa 31 cổ phiếu). Ngày đăng ký cuối cùng cho việc chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến là vào 29/6/2021.

Tương tự, Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) phát hành 59,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 17% (sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 17 cổ phiếu mới).

Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) cũng dự kiến phát hành gần 55,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 100:10. Nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2020.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) cũng lên kế hoạch sẽ phát hành 8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông. Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) dự kiến phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông. Bên cạnh đó, NLG sẽ chi gần 250 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền trong năm 2020. NLG đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền gần 125 tỷ đồng vào tháng 12/2020. Cổ tức bằng tiền còn lại là 125 tỷ đồng dự kiến thanh toán trong quý 2/2021.

Tập đoàn Vingroup (VIC) và Công ty CP Vinhomes (VHM) cũng lần lượt công bố kế hoạch phát hành gần 423 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1.000:125) và 987 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 100:30). Nếu thương vụ thành công, vốn điều lệ của Vingroup và Vinhome sẽ lần lượt chạm mốc 38.052 tỷ đồng và 43.364 tỷ đồng.

 Vì sao doanh nghiệp địa ốc đua nhau phát hành cổ phiếu để chia cổ tức?  - Ảnh 2.

DIG cũng lên kế hoạch sẽ tiến hành nghiên cứu 13 dự án tại nhiều tỉnh thành.

Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng vừa công bố Nghị quyết điều chỉnh hình thức phát hành ESOP năm 2021 với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu thay vì giá 0 đồng như trước đó công bố. Cổ phiếu ESOP này sẽ hạn chế chuyển nhượng 2 năm kể từ đợt phát hành.

Ngoài ra, DXG cũng thông qua bổ sung phương án phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ với tỷ lệ phát hành là 15% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành, nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020. Thời gian thực hiện trong quý 3/2021 ngay sau khi có thông báo nhận đủ hồ sơ phát hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

DXG sẽ điều chỉnh nguyên tắc xác định giá chào bán đối với phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Hội đồng quản trị quyết định giá phát hành sau điều chỉnh được xác định là giá chiết khấu 10-15% bình quân giá đóng cửa của cửa cổ phiếu DXG trong 20 ngày giao dịch gần nhất (trước đó giá chiết khấu là 20%). DXG cũng quyết định mức giá phát hành cụ thể nhưng không được thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Hành động khôn ngoan

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nói rằng, việc các doanh nghiệp bất động sản đua nhau phát hành cổ phiếu để trả cổ tức trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Bởi ngành bất động sản luôn cần một nguồn vốn lớn để thực hiện đầu tư các dự án. Trong bối cảnh bị Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp các doanh nghiệp giữ lại được lượng tiền mặt để tiếp tục quá trình mở rộng kinh doanh trong tương lai.

“Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, giữa 2 hình thức cổ tức bằng cổ phiếu và cổ tức bằng tiền mặt, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu là khôn ngoan. Điều này giúp doanh nghiệp vừa đảm bảo trả cổ tức cho cổ đông vừa giữ lại được lượng tiền mặt để thực hiện đầu tư”, ông Hoàng nói.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền nói rằng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là do phải tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư và mở rộng quỹ đất và đền bù để chuẩn bị cho các dự án. Công ty có các dự án trọng điểm ở phía Tây TPHCM nên phải dồn hết nguồn lực chính để tập trung mở rộng quỹ đất, khai thác kinh doanh quỹ đất này, tăng tốc kinh doanh sau này, hy sinh trong ngắn hạn để đạt được kết quả dài hạn, tạo ra lợi nhuận cho cổ đông.

 Vì sao doanh nghiệp địa ốc đua nhau phát hành cổ phiếu để chia cổ tức?  - Ảnh 3.

Việc các doanh nghiệp bất động sản đua nhau phát hành cổ phiếu để trả cổ tức trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu.

Dễ thấy, dù dịch COVID-19 tác động tới nhiều mặt nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh. Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết: “Chúng tôi đang triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2, tập trung vào ngành nghề chủ lực là bất động sản tại phân khúc trung cao. Novaland hiện sở hữu và đang nghiên cứu triển khai hơn 5.400ha, phân bổ cho các dòng sản phẩm là bất động sản đô thị trung tâm tại TPHCM và các khu vực vệ tinh, bất động sản đô thị du lịch tại các thành phố có tiềm năng du lịch và đang nghiên cứu và phát triển thêm mảng bất động sản công nghiệp”.

Chưa kể, Novaland dự kiến tiếp tục kinh doanh và phát triển 23 dự án tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 2021, Novaland lên kế hoạch 27.500 tỷ đồng doanh thu thuần (gấp 5 lần so với năm 2020) và 4.100 tỷ đồng lãi sau thuế (tăng 5% so với thực hiện năm trước). Đây cũng là kế hoạch cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn vào ngày 28/12/2016.

Trong khi đó, DIG cũng lên kế hoạch sẽ tiến hành nghiên cứu 13 dự án tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang, Hậu Giang... nhằm mục đích hình thành những dự án gối đầu, tăng thêm quỹ đất và tạo nguồn thu, việc làm cho DIG phát triển và bứt phá trong dài hạn.