Vì sao đề xuất đưa siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh ra khỏi dự án trọng điểm?

Việc thực hiện dự án khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh trong nhiệm kỳ 2020-2025 được cho là không khả thi.

Ngày 18-6, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét đưa dự án khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Sài Gòn Đại Ninh, huyện Đức Trọng) của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh ra khỏi danh sách các công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Vì sao đề xuất đưa siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh ra khỏi dự án trọng điểm?- Ảnh 1.

Siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh đến nay kéo dài hơn 13 năm, đang thuộc diện điều tra của Bộ Công an.

Theo lý giải của Sở Tài chính, hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra và Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra một số nội dung liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh.

Đồng thời, vào tháng 3-2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định pháp luật hiện hành của Luật Đất đai, Luật Đầu tư về điều kiện và cơ sở pháp lý để thu hồi đất, thu hồi dự án và hiện đơn vị này đang thực hiện.

Do đó, Sở Tài chính nhận định cơ sở điều kiện để thực hiện dự án Sài Gòn Đại Ninh trong nhiệm kỳ 2020-2025 là không khả thi nên đề xuất đưa ra khỏi danh sách các công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các công trình, dự án trọng điểm không khả thi, không có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét đưa ra khỏi danh sách các công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Dự án Sài Gòn Đại Ninh của Công ty Sài Gòn Đại Ninh có tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, diện tích 3.959 ha trên 4 xã Ninh Gia, Ninh Loan, Phú Hội và Tà Hine của huyện Đức Trọng. UBND tỉnh Lâm Đồng xác định đây là dự án trọng điểm.

Đến nay dự án đã trải qua 13 năm, làm mất 257,5 ha rừng cùng 111 ha đất rừng bị lấn chiếm. Chủ đầu tư phải bồi thường cho diện tích 257 ha rừng bị mất với số tiền khoảng 18,8 tỉ đồng, còn diện tích 111ha đất rừng bị lấn chiếm đến nay vẫn chưa giải tỏa lấy lại được.

Nhiều cán bộ, lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng gồm ông Trần Đức Quận - cựu Bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Văn Hiệp - cựu Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Ánh - cựu Chánh Thanh tra tỉnh đã bị bắt do có nhiều vi phạm liên quan đến dự án này.