UBND huyện Đan Phượng cho biết, nguồn gốc đất các hộ khu Trũng Phan, Phan, Khoải, Bờ Hồ xã Liên Hà đang có nguồn gốc là đất nông nghiệp. Hiện trạng 127 hộ đã xây dựng 171 lán, xưởng để sản xuất, kinh doanh đồ gỗ.
“127 hộ dân tự ý xây dựng lán, xưởng trên đất nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh đồ gỗ tại xã Liên Hà khi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép là vi phạm Điều 12 của Luật Đất đai năm 2013 những hành vi bị nghiêm cấm, gây ô nhiễm môi trường; nguy cơ cháy nổ” - UBND huyện Đan Phượng trả lời trong công văn số 01 (ngày 3/1/2014) gửi Báo Điện tử VOV.
Những vi phạm trên đất nông nghiệp tại xã Liên Hà đã tồn tại hơn 10 năm nay, được “hỗ trợ” từ chính quyền khi cấp điện sản xuất cho các hộ nay bị cưỡng chế phá bỏ.
Một kế hoạch cưỡng chế trong những ngày giáp Tết đã ảnh hưởng đến người dân. Người dân cho biết, do chưa thể vận chuyển hết hàng hóa, mong muốn có thêm thời gian để thực hiện việc tự phá dỡ.
“Yêu cầu phá dỡ trong 2 tháng, đầu tư hàng chục tỷ đồng, với nhiều máy móc, trang thiết bị khó mà phá dỡ kịp theo yêu cầu chính quyền” - ông Nguyễn Văn Chứa ở xã Liên Hà nói.
Trong khi đó, người dân khu vực Trũng Phan cũng cho rằng, việc phá dỡ cũng ảnh hưởng lớn tới kế sinh nhai của gần 2.000 lao động đang làm việc tại đây khi Tết đang cận kề.
“Chúng tôi mong muốn các cấp tạo điều kiện có chỗ công ăn việc làm để sản xuất. Giờ Tết tới nơi, không sản xuất, không có tiền trả thì vỡ nợ, đầu tư sản xuất kinh doanh vay tiền ngân hàng UBND xã Liên Hà cũng nắm được” - ông Nguyễn Tiến Cường, một người dân xã Liên Hà cho biết.
Thừa nhận việc sử dụng đất sai mục đích, tuy nhiên là có yếu tố lịch sử để lại. Người dân mong muốn được chuyển đổi cho phù hợp với quy định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thạc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, khu vực Trũng Phan nằm trong quy hoạch phát triển về công cộng. Khu vực này tồn tại nhà xưởng từ lâu, có nguy cơ cháy nổ cao và sử dụng đất sai mục đích.
UBND huyện Đan Phượng cũng chia sẻ về những thiệt hại của người dân, tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa cho phép tồn tại nên phải thực hiện cưỡng chế.
“Khu này, UBND huyện Đan Phượng không thể sửa được vì vướng vào quy hoạch thủ đô. Trước đó giai đoạn 2010-2014 cũng kiến nghị UBND TP.Hà Nội để điều chỉnh quy hoạch nhưng lại không được chấp thuận” - ông Nguyễn Thạc Hùng nói.
Những vi phạm tồn tại hơn 10 năm “hậu thuẫn” bởi chính quyền cơ sở, việc xử lý cán bộ để ra sai phạm này, ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết: “Để tồn tại những sai phạm này là từ nhiều năm trước, các lãnh đạo địa phương trước đây, hiện tại các đồng chí này đã nghỉ hưu và hết thời hiệu xử lý”.
Để giải quyết những tồn tại vi phạm đất đai do giai đoạn trước, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội ban hành văn bản số 188 năm 2020.
Tại khoản 2.1 điểm a đối với các trường hợp gia đình, cá nhân: “Đối với các trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014 trường hợp phù hợp với quy hoạch thì chỉ đạo UBND cấp xã lập hồ sơ vi phạm xác định thời điểm hộ gia đình, cá nhân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở trái phép để xem xét xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu các nghĩa vụ tài chính…”. Người dân đặt câu hỏi liệu những vi phạm trên đất nông nghiệp ở xã Liên Hà đều xảy ra trước năm 2014, những vi phạm này có được tồn tại theo văn bản số 188?
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết: “Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, các hộ dân được giao đất nông nghiệp tại 3 xã Liên Trung, Liên Hà, Liên Hồng đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình nhà xưởng chế biến lâm sản có diện tích và quy mô lớn, là vi phạm quy định về đất đai, trật tự xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm về môi trường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Phải xử lý giải tỏa.
Như vậy, việc thực hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp là trách nhiệm của UBND các xã và UBND huyện Đan Phượng theo quy định và chỉ đạo của UBND thành phố”.