VBMA: Gần 52.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành năm 2022

Theo dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4% tổng giá trị phát hành trong năm 2022.

Theo dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập Đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 244.565 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 65% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 66%.

Nhóm Ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm. Nhóm Bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.

Theo VBMA, trong năm 2022, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Cũng theo đơn vị này, tính đến ngày 6/1, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong tháng 1/2023.

Trong tuần đầu tiên năm 2023, tính đến ngày công bố thông tin 6/1/2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 310 tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ năm trước).

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký, ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Theo đó, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Đáng chú ý, với thị trường vốn, Chính phủ quyết tâm cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản. Việc lành mạnh hoá, phát triển an toàn, bền vững các thị trường này được coi là yếu tố giúp tăng nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ nền kinh tế.

"Không để mất an toàn hệ thống thị trường vốn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự", Nghị quyết của Chính phủ nêu.