Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà đã có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư lập đề xuất dự án để nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 Tp.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài gần 47km, đi qua địa bàn 5 huyện gồm: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành và Cẩm Mỹ. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 26 ngàn tỷ đồng.
Dự án được chia thành 2 dự án thành phần gồm: dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng và dự án xây dựng có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án là hơn 14.000 tỉ đồng, gồm hơn 10.000 tỉ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và khoảng 4.000 tỉ đồng tham gia vào dự án xây dựng.
Về giải phóng mặt bằng, dự án cần thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 482 ha với gần 1,7 ngàn hộ dân cần bố trí tái định cư.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài chính rà soát, xem xét bố trí nguồn vốn hơn 10.000 tỉ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Sở Xây dựng làm việc với nhà đầu tư lập đề xuất dự án để lập lại đường găng các công việc cần triển khai thực hiện.
Đối với công tác điều chỉnh các quy hoạch liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và môi trường hướng dẫn các địa phương thực hiện. Đồng thời, rà soát, đảm bảo nguồn cung về vật liệu xây dựng, vị trí các bãi đổ thải của dự án. Sở Công thương phải chủ động thực hiện công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi trước một bước.

Trước đó, các địa phương ở Bình Dương đã ra thông báo thu hồi đất 1.031 trường hợp để làm dự án Vành đai 4 Tp.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh.
Hiện Bình Dương đang khẩn trương thực hiện dự án thành phần 1 - giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 Tp.HCM qua tỉnh. Điểm đầu của dự án từ cầu Thủ Biên huyện Bắc Tân Uyên, điểm cuối sông Sài Gòn, thành phố Bến Cát. Dự án giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 7.926 tỉ đồng. Diện tích dự kiến thu hồi đất khoảng 239,8 ha, đi qua địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên. Có khoảng 1.451 trường hợp bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án. Trong đó, có khoảng 300 trường hợp thuộc diện bố trí tái định cư.
Tại Bình Dương, hiện thành phố Tân Uyên đã ban hành đơn giá thu hồi đất, các địa phương còn lại dự kiến phê duyệt đơn giá đất trong tháng 5/2025. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục liên quan đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt đơn giá và phương án bồi thường.
Theo quy hoạch, Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài hơn 200km, đi qua Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện UBND TPHCM đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đoạn dài gần 160km. Trong đó, đoạn qua Long An có chiều dài lớn nhất với hơn 78km, Đồng Nai 46km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,2km và TPHCM 16,7km. Riêng đoạn đi qua Bình Dương (48km) sẽ được triển khai độc lập theo kế hoạch đầu tư đã được HĐND tỉnh này thông qua.