Chiều 1-6, phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã trình bày báo cáo, trong đó đề xuất các phương án điều chỉnh hình thức đầu tư cao tốc Bắc - Nam .
Đoạn La Sơn - Túy Loan qua tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng thành đường cao tốc - Ảnh: QUANG TÁM
Cụ thể, Chính phủ đã xây dựng các phương án điều chỉnh hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên như sau:
Phương án 1: Chuyển đổi sang đầu tư công toàn bộ 8 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỉ đồng, trong đó: đã bố trí kế hoạch 2016 - 2020 là 55.000 tỉ đồng, cần bổ sung thêm vốn ngân sách nhà nước (NSNN) 44.493 tỉ đồng .
Phương án 2: Chuyển đổi sang đầu tư công 5 dự án, gồm: 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 3 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.250 tỉ đồng; trong đó vốn NSNN khoảng 88.059 tỉ đồng (đã bố trí kế hoạch 2016 - 2020 là 55.000 tỉ đồng, cần bổ sung thêm 33.056 tỉ đồng), vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỉ đồng.
Phương án 3: Chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỉ đồng; trong đó, vốn NSNN nước khoảng 78.461 tỉ đồng (đã bố trí kế hoạch 2016 - 2020 là 55.000 tỉ đồng, cần bổ sung thêm 23.461 tỉ đồng), vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỉ đồng.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cho biết phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận không tán thành tại Kết luận Phiên họp thứ 45.
Với phương án 2, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng phương án này cũng không phù hợp với các yêu cầu tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về Phương án 3, báo cáo thẩm tra cho biết có nhiều ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất: Đa số ý kiến cơ bản nhất trí với phương án chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công (đã bao gồm dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển).
Loại ý kiến thứ hai: Một số ý kiến không tán thành việc chuyển đổi từ phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công.
Loại ý kiến thứ ba: Có ý kiến nhất trí với số lượng và phương án lựa chọn dự án thành phần của Phương án 3 do Chính phủ đề xuất và cho rằng việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây là phù hợp do 2 dự án này có số vốn huy động lớn, nhà đầu tư khó có thể huy động được vốn tín dụng trong thời điểm hiện nay.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với loại ý kiến thứ nhất, theo đó chỉ chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần, đồng thời đề nghị xem xét lựa chọn thứ tự ưu tiên dự án chuyển đổi theo nguyên tắc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại Phiên họp thứ 45. Cụ thể: Dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết); có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công; không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển khi phải hủy kết quả sơ tuyển để chuyển sang đầu tư 100% vốn đầu tư công.
Phát biểu tại phiên họp 45 chiều 1-6, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đều đồng ý với phương án chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án (phương án 3), gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đồng ý với phương án này.
Sau quá trình thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 3 trong tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện tờ trình để trình ra tại kỳ họp thứ 9 để Quốc hội xem xét quyết định.
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần lưu ý khi chuyển các dự án thành phần sang đầu tư công có thể dẫn đến sự không công bằng, do mỗi nhà đầu tư chỉ tham gia một hoặc một số dự án thành phần, trường hợp dự án thành phần bị chuyển sang đầu tư công, nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển dự án đó sẽ không có cơ hội tham gia dự án thành phần khác. Do đó, cần có giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư nếu chuyển đổi dự án như ưu tiên cộng điểm cho các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển trong quá trình đấu thầu dự án được chuyển đổi.