Báo cáo quý 4/2020 của đơn vị này chỉ ra, trong năm 2020, tổng nguồn cung xấp xỉ 6.500 căn, tăng 3% theo quý và 2% theo năm. Có 5 dự án trung cấp mới trong đó có 5 dự án cung cấp 100 căn do CityHouse quản lí. Tới năm 2022, hơn 750 căn từ 7 dự án dự kiến gia nhập thị trường. Những dự án này được quản lí bởi cả nhà điều hành nước ngoài như Somerset và trong nước như CityHouse.
Theo Savills, giá thuê trung bình căn hộ dịch vụ giảm 7% theo năm. Chủ nhà đang giảm giá thuê hoặc miễn phí các dịch vụ tiện ích nhằm tăng khả năng cạnh tranh.Trong năm 2020, công suất trung bình giảm 20 điểm phần trăm theo năm. Trong nửa đầu năm 2020, tổng lượng tiêu thụ đạt âm, tuy nhiên trong nửa cuối năm tổng lượng tiêu thụ là 240 căn sau khi các chuyên gia nước ngoài được ưu tiên trở lại. Các nhà điều hành thành công hơn khi linh hoạt cho thuê cả khách ngắn hạn và dài hạn.
Trong năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Tp.HCM đạt xấp xỉ 4,4 tỷ USD, dù giảm 48% theo năm nhưng vẫn là địa phương thu hút vốn đầu tư FDI cao nhất cả nước. Dự báo cho Tp.HCM vẫn duy trì tích cực. Tp.HCM đã xét xấp xỉ 13.000 hồ sơ đề nghị cho chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam cho thấy sự cải thiện trong nguồn cung.
Cho tới khi các chuyến bay thương mại được tiếp tục, dự báo cho thị trường không chắc chắn, tuy nhiên dự báo dài hạn vẫn tích cực. Vắc-xin Covid đang trong quá trình thử nghiệm ở Việt Nam khiến triển vọng về việc hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng. Theo Global Hospitality, dự báo tới năm 2023 doanh thu ngành dịch vụ lưu trú đạt được sẽ cao hơn 2019 4%.
Theo bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại Savills, thị trường căn hộ dịch vụ cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ, với các dự án dịch vụ tốt để thu hút khách trở lại cùng công suất bình quân khá ổn. Với dòng vốn FDI và nhu cầu từ các chuyên gia nước ngoài trong tương lai, thị trường có thể trở lại nhanh chóng trong thời gian tới.
Dự báo về thị trường này, Colliers International Việt Nam cũng nhận định, trong thời gian còn lại của năm 2021, khi đại dịch Covid-19 hy vọng được kiểm soát với việc dần dần đưa vào sử dụng vắc-xin, các doanh nghiệp sẽ trở lại bình thường và các chuyến bay quốc tế sẽ được mở trở lại. Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại Quốc tế như EVFTA, UKVFTA và RCEP sẽ tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ mới từ nước ngoài đén Việt Nam làm việc, làm tăng nhu cầu căn hộ dịch vụ của khách quốc tế đến Việt Nam.
Báo cáo của đơn vị này cũng chỉ ra, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của căn hộ dịch vụ liên tục giảm. Cụ thể, quý cuối cùng của năm 2020 chứng kiến giá thuê giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019, cùng mức giảm so với quý III. Tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ tại Tp.HCM giảm mạnh hơn 30% so với quý trước. Năm 2020, giá thuê trung bình là 39 USD/m2/tháng đối với hạng A và 31,23 USD/m2/ tháng đối với hạng B. Tỷ lệ lấp đầy của hạng A giảm xuống chỉ còn 61%, thấp hơn mức 90% trong cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ lấp đầy của hạng B giảm xuống còn 56%, thấp hơn mức 84% của quý trước.
Khách thuê căn hộ dịch vụ chủ yếu bao gồm khách nước ngoài đi công tác cũng như người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, và đại dịch Covid-19 đã làm giảm nhiều chuyến bay vào nước này, do đó ảnh hưởng đến nhu cầu chung về căn hộ dịch vụ tại Tp.HCM.
Về nguồn cung, theo Colliers International Việt Nam, không có nguồn cung mới trong quý 4.2020 sau khi kiểm soát được đợt dịch thứ hai, hầu hết các căn hộ dịch vụ đã hoạt động trở lại. Tổng cộng đến năm 2020 có khoảng 6.200 phòng. Một số dự án sắp tới vẫn chưa xác nhận ngày hoàn thành. Năm 2021 dự kiến sẽ là năm Sonata Residence và Berkley Serviced Residence bắt đầu kinh doanh và bổ sung một lượng lớn phòng mới vào thị trường.
Về nhu cầu, trong quý 4/2020, khi một số chuyến bay quốc tế hoạt động trở lại, nhu cầu căn hộ dịch vụ ngắn hạn tăng nhẹ. Nhiều căn hộ dịch vụ đã đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và chiết khấu lên đến 10 - 20% nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng và bù đắp khoản lỗ mà thị trường căn hộ dịch vụ đã phải gánh chịu.
Đơn vị này dự báo, nhu cầu khó có thể tăng lên trong Quý 1 năm 2021 vì người dân sẽ đón Tết, đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh sẽ chậm lại và ít người đến Việt Nam để làm việc hơn.