Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Quá trình mở rộng điều tra, ngày 5/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh đều là Thành viên HĐTV Tổng Công ty Chè Việt Nam có hành vi ký các Nghị quyết của HĐTV Tổng Công ty Chè thống nhất góp vốn và thoái vốn là quyền sử dụng khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM) không thông qua đấu giá công khai theo quy định, gây thiệt hại tài sản của nhà nước.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam bị can Nguyễn Thiện Toàn, nguyên Tổng Giám đốc, Phụ trách HĐTV Tổng Công ty Chè Việt Nam.
Trong thông cáo phát đi liên quan đến việc này, Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP cho biết, nội dung liên quan đến sai phạm của 3 cá nhân thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam - Công ty TNHH MTV về việc thoái vốn tại khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa theo thông tin do C03 cung cấp đều diễn ra trong giai đoạn trước cổ phần hóa với tư cách là các thành viên của HĐTV Tổng Công ty Chè Việt Nam - Công ty TNHH MTV (thuộc Bộ NNPTNT).
Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP khẳng định các hành vi sai phạm của 3 cá nhân được nêu trên đều được thực hiện với tư cách là các thành viên HĐTV của Tổng Công ty Chè Việt Nam - Công ty TNHH MTV thuộc Bộ NNPTNT (doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa).
Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP tiền thân là doanh nghiệp nhà nước với tên gọi là Tổng Công ty Chè Việt Nam - Công ty TNHH MTV thuộc Bộ NNPTNT được cổ phần hóa theo Quyết định số 864/QĐ-TTg ngày 16/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 17/12/2015, Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP chính thức được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Ngoài khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trước cổ phần hóa, Tổng Công ty Chè Việt Nam từng vướng "ồn ào" tại nhiều lô "đất vàng" khác.
Theo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam của Thanh tra Chính phủ (TTCP) hồi năm 2020, khu đất "vàng" số 25D Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) với diện tích hơn 60m2 do Tổng công ty Chè Việt Nam ký hợp đồng với Sở TNMT thuê có thu tiền thuê đất hằng năm.
Đến năm 2009, cơ sở nhà đất này được doanh nghiệp trên đem góp vốn liên doanh liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh để xây dựng khu nhà trung tâm thương mại và dịch vụ.
Giá trị quyền sử dụng hơn 60m2 đất được Tổng công ty và bên liên doanh xác định là 3,5 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, khu đất "vàng" này do Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh quản lý sử dụng vì Tổng công ty Chè đã thoái vốn.
Tương tự, khu "đất vàng" 1.500m2 phố Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng thuộc quản lý của Tổng công ty Chè cũng "về tay" tư nhân.
Về nguồn gốc khu đất này, năm 1996, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định thu hồi 1.500m2 đất tại đường Trần Khát Chân do Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Thanh quản lý sử dụng để giao cho Tổng công ty Chè Việt Nam thực hiện dự án khách sạn 3 sao Indochine Ha Noi với mức đầu tư 10,2 triệu USD.
Để thực hiện dự án, doanh nghiệp đã tiến hành liên danh cùng Tập đoàn bất động sản Mulpha Haute Couture (Malaysia) để xây dựng khách sạn Indochine Ha Noi, cao 18 tầng tiêu chuẩn 3 sao và một trung tâm đấu giá chè quốc tế trên lô đất 1.500m2 theo Quyết định 2750/QĐ-UB của UBND TP.Hà Nội.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành cổ phần hóa, Tổng công ty Chè Việt Nam đã chuyển nhượng cổ phần tại dự án Indochine Ha Noi Trần Khát Chân cho Công ty cổ phần Sông Châu (Công ty Sông Châu). Giá trị thương vụ không được công bố. Theo BCTC kiểm toán năm 2015 của Tổng Công ty Chè Việt Nam, tính đến ngày 17/12/2015, doanh nghiệp này ghi nhận khoản phải thu 6 tỷ đồng tại Công ty Sông Châu.
Đáng chú ý, dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, tính đến tháng 12/2019, vốn điều lệ của Công ty Liên doanh khách sạn Indochine Hà Nội là hơn 40,4 tỷ đồng; cơ cấu sở hữu của liên danh này vẫn là 2 cái tên: Tổng công ty Chè Việt Nam (30% vốn điều lệ), và đối tác nước ngoài Mulpha Haute Conture Sdn (70% vốn). Ông Cao Minh Sơn (SN 1961) là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Thế nhưng, trong các báo cáo tài chính của Tổng công ty Chè Việt Nam từ năm 2016 - quý I/2022 không hề nhắc đến Công ty Liên doanh khách sạn Indochine Hà Nội hay dự án Trần Khát Chân.
Về phần doanh nhân Cao Minh Sơn được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sông Châu. Ngoài ra, vị doanh nhân sinh năm 1961 này còn đứng sau nhiều thương vụ thâu tóm khu đất đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM từ các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó đáng chú ý là khu đất vàng 99C Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM.