Từng tăng giá mạnh sau mỗi đợt Tết nguyên đán, loại hình bất động sản này liệu có lặp lại lịch sử “sốt” vào nửa đầu năm 2024?

Hiện khá nhiều nhà đầu tư đang ôm đất vườn, đất nông nghiệp tại các tỉnh lân cận Tp.HCM kì vọng cơn sốt ó thể quay trở lại sau Tết nguyên đán 2024.

Gần đây, đất vườn tại một số tỉnh như Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận đã có dấu hiệu giao dịch trở lại sau khoảng thời gian “bất động”. Điều này đã đẩy sự kì vọng của nhà đầu tư tăng lên.

Vốn là loại hình bất động sản “dễ sốt”, nhiều người cho rằng, đất vườn, đất nông nghiệp ven Tp.HCM có thể quay lại “thời hoàng kim” như giai đoạn 2020-2021.

Còn nhớ, loại hình bất động sản này đã từng lên cơn sốt sau thời điểm Tết nguyên đán 2022. Những lô đất vườn, đất nông nghiệp xa trung tâm, diện tích lớn từng “điên đảo” trong cơn sốt. Giá liên tục tăng. Giao dịch diễn ra chóng vánh giữa các nhà đầu tư với nhau. Các thương vụ lướt sóng với mức chênh từ 50 triệu đến 200 triệu đồng không hiếm gặp trên thị trường.

Thời điểm đó, giá đất vườn tại các tỉnh lân cận Tp.HCM thiết lập mặt bằng mới. Mức tăng thấp nhất từ 10%-20% trong vòng vài tháng. Thậm chí có khu vực ghi nhận tăng 50-60% trong vòng 6 tháng đến một năm. Người dân ở khắp nơi, nhất là Tp.HCM đổ xô về các tỉnh để mua đất vườn. Nhiều người thu gom những mảnh đất lớn, sau đó tiến hành phân lô, tách sổ diện tích từ 500-1.000 m2/nền để bán lại.

Từ nửa cuối năm 2022 đến nay, cơn sốt đất vườn hạ nhiệt. Đầu năm 2023, thị trường xuất hiện tình trạng nhà đầu tư rao bán cắt lỗ từ 10-30%, thậm chí có lô đất vườn giảm giá gần 50% nhưng không có người hỏi mua.

Vậy nhưng, cuối năm nay, nhiều nhà đầu tư lại “nuôi hi vọng” đất vườn có thể đảo chiều tăng trở lại vào dịp sau Tết nguyên đán 2024. Hiện sóng cắt lỗ của đất vườn, đất nông nghiệp tại các tỉnh lân cận Tp.HCM đã giảm mạnh. Tín hiệu về lãi suất giảm, hoạt động mua bán bất động sản có dấu hiệu trở lại đã tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư cố giữ tài sản.

Tuy vậy, theo dự đoán của những người trong cuộc, loại hình bất động sản này sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi hơn các bất động sản khác. Với bối cảnh thị trường bất động sản như hiện nay, kì vọng nóng sốt đất vườn từ năm 2024 là khó xảy ra.

Có thể thấy, sau một thời gian dài tăng nóng, thị trường đất nền nói chung, đất vườn, đất nông nghiệp nói riêng chưa có sự hồi phục rõ nét. Hiện nhà đầu tư đã không mấy mặn mà với việc “đánh bắt xa bờ”. Nhìn chung, bức tranh thị trường đất tỉnh còn nhiều gam màu tối.

Từng nhận định về thị trường này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, đất nền là loại hình bất động sản mang nặng tính đầu cơ, nên mức độ ảnh hưởng nhiều hơn so với loại hình ở thực. Đặc biệt, đất nền đã liên tiếp ghi nhận các đợt sốt nóng trong những năm qua, nên hiện giờ, giá phải chững hoặc giảm để cân bằng cung - cầu. Với nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn hay sở hữu nhiều đất nền thì áp lực lãi vay, áp lực quay vòng vốn, thanh khoản là rất lớn.

Theo các chuyên gia trong ngành, khi có room tín dụng nới, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi. Song, sẽ không có chuyện “sốt đất” xảy ra như thời điểm trước. Sự phục hồi của thị trường đất nền sẽ chậm nhịp do tâm lý của nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng. Gần đây, mặc dù thị trường xuất hiện các giao dịch đất vườn song chủ yếu vẫn là sản phẩm giảm giá từ 20-30% so với đỉnh sốt. Thị trường bất động sản chủ yếu vẫn là cuộc chơi của những nhà đầu tư bắt đáy. Nếu phía chủ đất giảm giá gặp nhà đầu tư có tiền mặt thì mới có giao dịch diễn ra.

Dự báo, khả năng cuối năm 2024 thị trường bất động sản nói mới có thể phục hồi như bình thường. Tuy nhiên, để sôi động, mua bán đầu tư nhộn nhịp, giá tăng thì phải đến năm 2026- 2028. Theo lý giải của các chuyên gia để tạo nên các cơn sốt đất thì thị trường cần có quá trình hội tụ nhiều yếu tố về cung cầu, thông tin, hạ tầng, dòng vốn…. Quá trình này cần thời gian khoảng 4-5 năm.