Năm 2020, bà Mạnh (Hà Đông, Hà Nội) bỏ ra hơn chục tỷ mua căn biệt thự ở vùng ven Hà Nội tại một dự án lớn. Ở thời điểm sốt đất bùng nổ, thị trường “nóng”, căn biệt thự của bà Mạnh được định giá tăng 20%. Thế nhưng, do thị trường bất động sản lao dốc, thanh khoản chững lại. Giá căn biệt của bà Mạnh đã giảm tới 30% so với chi phí vốn ban đầu mà bà bỏ ra.
Không ít người thân biết chuyện, tỏ ra tiếc nuối hộ bà Mạnh vì mua với giá cao và hiện tại khó thoát hàng.
Thế nhưng, bà Mạnh cho biết, ngay cả khi thị trường đóng băng, giá có giảm tới 30% thì bà cũng không quan tâm. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống cũng không bị đảo lộn. Bởi số tiền bà mua bất động sản không phải vay mượn người thân hay ngân hàng. Chỉ đơn giản, bà “dư tiền nên tích trữ vào đất”.
“Nếu kinh tế tốt, tôi sẽ cho khách thuê để kinh doanh”, bà Mạnh nói.
Đây không phải là bất động sản duy nhất nằm trong bộ sưu tập “tài sản để tích trữ” của bà Mạnh. Những năm kinh doanh thuận lợi, khoản tiền lợi nhuận thu được, bà đều chuyển sang “vàng” và tiền gửi tiết kiệm. Đến khi khoản tiền tích luỹ được nhiều, bà lại đổ dồn vào đất.
Tương tự như bà Mạnh, chị Hương (Hải Dương) đầu tư đất trong tâm thế tương tự. Chị Hương tự nhận bản thân không phải là nhà đầu tư. “Tôi không biết vị trí nào đẹp hay xấu, lợi nhuận sau sẽ tăng bao nhiêu. Chỉ đơn giản, tôi thấy hợp lý với túi tiền của mình, có sổ đỏ, gần nhà, tôi sẽ mua”, chị Hương kể.
Đơn cử như năm 2019, một người hàng xóm cần bán gấp căn nhà đất sát mặt đường ô tô, trục liên xã với giá rẻ. Chỉ trong 1 tuần, chị Hương đặt cọc và thực hiện giao dịch. Hay như năm 2021, chị Hương được giới thiệu lô đất nền dự án đã có sổ đỏ. Thấy môi giới tư vấn hợp lý, chị cũng chốt hàng.
Giai đoạn năm 2022-2023, chị Hương mua thêm 1 căn nhà đất nhỏ để cho công nhân thuê.
Trong tổng số bất động sản đang sở hữu, chị Hương tiết lộ, nhiều lô đất tăng 30-50%, thậm chí gấp đôi. Đến hiện tại, có một số bất động sản giảm. Ngay cả khi sốt đất, giá tăng vù vù hay thậm chí giá đất đang giảm, chị Hương vẫn không bán. Bởi chị cho biết: “Gia đình tôi không có nhu cầu bán vì không cần tiền. Vợ chồng tôi và con sống khá đơn giản, không nhu cầu sắm ô tô, hay tiêu pha lớn nên cứ mua đất để dành”.
Anh Đ.T (nhân viên kinh doanh bất động sản, Cao Bằng) cho biết: “Với môi giới chúng tôi, bán bất động sản cho người có tiền rất dễ và thích. Vì đơn giản, họ chốt nhanh nếu thích. Thông thường, họ chỉ mua vào, và không quan tâm nhiều về giá. Thậm chí, họ cũng không quan tâm nhiều đến mua căn shophouse này có dễ cho thuê không vì khoản tiền thuê mang về quá nhỏ so với thu nhập nhận được”.
Nhà đầu tư Kiều Thắng đến từ Bắc Ninh cho rằng: “Nhắc đến trường hợp như vậy, thực sự cảm giác khó tin nhưng thực tế là có thật. Có lẽ đó là lý do mà nhiều căn nhà phố, biệt thự bỏ hoang trong khi giá bất động sản không ngừng tăng ở thời điểm thị trường sốt nóng”.
Theo chia sẻ của ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro, với nhà đầu tư thông thường, họ đặc biệt quan tâm đến biến động của thị trường, giá như thế nào, thời điểm vào hàng và ra hàng. Nhưng đối nhóm khách hàng mua bất động sản với mục đích tích trữ, họ không quan tâm đến giá thế nào hay thị trường đang diễn biến ra sao. Họ thừa tiền thì mua đất để dành.