Sáng nay, tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội" được tổ chức có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhiều đại diện doanh nghiệp nhằm nêu ra những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, mặt bằng, nguồn vốn...trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH).
Tại buổi tọa đàm, nhận định về sức khỏe doanh nghiệp bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, vừa qua Chính phủ đã có nhiều hành động quyết liệt, đặc biệt trong thúc đẩy, tháo gỡ hệ thống thể chế, sửa đổi các quy định của pháp luật khi không còn phù hợp.
Nhờ đó, dấu hiệu của niềm tin trở lại, nhiều dự án tái khởi động, nhiều doanh nghiệp trở lại "đường đua". Đó chính là kết quả của điều hành chính sách vĩ mô. Các doanh nghiệp cũng đã tự điều chỉnh năng lực, tái cấu trúc, chủ trương, để thích ứng linh hoạt hơn với thị trường.
Về phát triển NƠXH, ông Nguyễn Văn Đính nhận định, đây là phân khúc rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường đang cần tăng nguồn cung; thêm đa dạng, phong phú nguồn cung; kích hoạt thị trường giao dịch mua bán, kích thích hoạt động đầu tư phát triển.
Thời gian gần đây có hiện tượng tăng giá, giá nhà đất tăng đột biến tuy nhiên ông Đính khẳng định đây không phải hiện tượng thật, có dấu hiệu tác động để trục lợi bởi một nhóm lợi ích nào đó. Giá tăng nhưng không có giao dịch, do đó chỉ là thị trường ảo.
Về câu hỏi doanh nghiệp không mặn mà với NƠXH, ông Nguyễn Văn Đính khẳng định nếu doanh nghiệp không mặn mà với NƠXH thì không thể đăng ký đến hàng nghìn dự án. Nhưng hiện doanh nghiệp gặp khó khi cơ chế tham gia khó khăn, quỹ đất không có, đầu ra khống chế, thậm chí không thể có lãi...
Về vấn đề vốn, theo ông Đính, người cấp vốn là ngân hàng cũng là doanh nghiệp, không thể bắt họ cho vay thấp hơn khoảng 4,8% khi họ đi vay người khác lãi suất trên 5%.
Ông Đính cho biết, tại cuộc họp với Thủ tướng mới đây, Hiệp hội đã trao đổi với nhiều chuyên gia và thống nhất phải thay đổi quan điểm, tư duy về NƠXH hay bất cứ dạng nhà chính sách nào, đó là đều phải có vai trò của nhà nước. Cần phải làm rõ, đánh giá sâu hơn về lợi ích phát triển xã hội đối với địa phương. Phải xác định vai trò của nhà nước, nhà nước giao quyền cho các địa phương, các địa phương sẵn sàng tạo quỹ đất, nguồn lực, vốn…
"Do đó cần nguồn vốn cơ chế khác, nhà nước sẽ tạo ra, doanh nghiệp khi đó vào tham gia chương trình NƠXH như một nhà thầu. Quan điểm của tôi là phải thay đổi tư duy trước mới thay đổi được vấn đề", Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ.