Triển vọng 70.000 căn nhà ở xã hội

Với sự hưởng ứng, đồng hành của doanh nghiệp, TP HCM đứng trước cơ hội hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030.

Ngày 6-12, UBND TP HCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM đến năm 2030.

Nhận diện thách thức

Thông tin từ hội nghị cho hay căn cứ chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030, TP HCM dự kiến phát triển khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội. 

Trong đó giai đoạn 2021-2025 phát triển 26.200 - 35.000 căn. Tuy nhiên, từ năm 2021 tới nay chỉ 10 dự án triển khai với 6 dự án hoàn thành và 4 dự án đang thi công, quy mô khoảng 6.000 căn.

Triển vọng 70.000 căn nhà ở xã hội

Với sự tham gia tích cực của chính quyền và doanh nghiệp, mục tiêu về nhà ở xã hội của TP HCM được tin tưởng hoàn thành

Hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra như khó khăn về quy hoạch, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục đất đai. Ngoài ra, nhiều công đoạn ảnh hưởng đến phát triển nhà ở xã hội.

Để hoàn thành chỉ tiêu thì bên cạnh triển khai dự án nhà ở xã hội, phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án cũng như ngoài hàng rào dự án. Qua đó, bảo đảm không gian sống, nâng cao chất lượng sống, góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Nhiều yếu tố giúp vững niềm tin

Tại hội nghị, ông Phạm Minh Mẫn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thông tin về 7 khu đất/dự án diện tích hơn 27 ha với trên 3.800 căn dự kiến kêu gọi xúc tiến đầu tư. Trong đó, 2 khu đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500 tại TP Thủ Đức và quận 12 với quy mô 840 căn. Hai khu này thành phố sẽ hoàn tất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư vào tháng 1-2025, dự kiến hoàn thành trong quý II/2026.

Năm khu đất được ước tính khoảng 3.000 căn hộ, các sở, ngành sẽ phối hợp với TP Thủ Đức và quận 4 để hoàn chỉnh đồ án quy hoạch, xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc làm cơ sở mời gọi đầu tư. Thời gian hoàn thành thủ tục dự kiến là tháng 1-2025 và đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư là tháng 3-2025.

Cũng theo ông Phạm Minh Mẫn, đã có 21 doanh nghiệp đăng ký hưởng ứng tham gia phát triển nhà ở xã hội tại các quỹ đất của doanh nghiệp với quy mô 52.167 căn. 

Trong đó, 9 doanh nghiệp đăng ký cụ thể trên cơ sở quỹ đất thuộc sở hữu của mình tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 7, TP Thủ Đức với 11.614 căn, 12 doanh nghiệp đăng ký và cam kết tìm quỹ đất trên địa bàn thành phố để đầu tư xây dựng từ đây đến năm 2030 là 40.553 căn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM tính toán cùng với 7 khu đất thành phố dự kiến đấu thầu tìm chủ đầu tư cộng thêm hàng chục nghìn căn từ đầu tư công thì sẽ hình thành khoảng 70.000 căn nhà ở xã hội, bảo đảm chỉ tiêu từ đây đến năm 2030.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng giải pháp bao trùm, trực tiếp đó chính là huy động toàn lực quỹ đất 20% trong tất cả dự án nhà ở thương mại mà chủ đầu tư phải xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Ngoài ra, trước mong muốn của nhiều chủ đầu tư về hoán đổi diện tích đất thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại dự án nhà ở thương mại bằng quỹ đất ở vị trí khác có giá trị tương đương, theo ông, 2 loại quỹ đất này là "mì ăn liền".

"Chúng tôi rất hoan nghênh vừa qua Sở Xây dựng làm việc với 14 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có quỹ đất 20% tại dự án nhà ở thương mại. Chỉ với 14 doanh nghiệp này thôi thì chỉ tiêu 69.700 - 93.000 căn vào năm 2030 chắc chắn đạt" - ông Châu quả quyết và cho rằng sau hội nghị cần tiếp tục rà soát, gặp gỡ các doanh nghiệp có quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trước đây để trao đổi.

Triển vọng 70.000 căn nhà ở xã hội

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố sẽ sớm có chính sách hỗ trợ để phát triển nhà ở xã hội

Nhiều chính sách tốt sẽ khai sinh

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cảm ơn doanh nghiệp tiếp tục giữ vững niềm tin, tham gia xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn mới và khẳng định thành phố sẽ tiếp tục tổ chức họp giải quyết vướng mắc cũng như đốc thúc hàng loạt đầu việc.

Theo ông Bùi Xuân Cường, ngoài số lượng doanh nghiệp đăng ký, thành phố cũng xem xét một số dự án tái định cư có thể chuyển qua nhà ở xã hội nên chỉ tiêu hơn 69.700 căn sẽ hoàn thành.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ sau khi các doanh nghiệp đăng ký thì còn rất nhiều việc phải làm, nhất là câu chuyện phù hợp quy hoạch, chỉ tiêu quy hoạch, thủ tục đất đai, chấp thuận chủ trương đầu tư... 

Vì thế, thành phố giao tổ công tác, trong đó có Sở Xây dựng, tiếp tục tham mưu triển khai cho thực chất và hiệu quả trên cơ sở số liệu đăng ký của doanh nghiệp. Công tác khai thông thủ tục được yêu cầu bảo đảm chặt chẽ để những bước sau không vướng mắc.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết bên cạnh triển khai Nghị quyết 09/2023 của HĐND TP HCM thì UBND TP HCM sẽ sớm trình ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất; ưu đãi về đầu tư cả trong và ngoài dự án để đồng bộ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, thành phố tính toán, phân bổ để ưu tiên hệ số sử dụng đất vượt trội cho dự án nhà ở xã hội. 

Sát cánh cùng thành phố

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định từ thành phố đến sở - ngành, quận - huyện tập trung cao để làm tốt phần của mình trong phát triển nhà ở xã hội, trong đó, công việc quan trọng là giải quyết khâu thủ tục đầu tư. Các sở - ngành và quận - huyện phải phối hợp chặt chẽ, phấn đấu thời gian chuẩn bị dự án 6 tháng, khởi công đến hoàn thành là 1 năm.

Chủ tịch UBND TP HCM cũng nhấn mạnh nội dung triển khai tốt xây dựng nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang. Ngoài ra, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cho công chức, viên chức, người lao động, sinh viên thuê với mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 100.000 chỗ thuê.

Nói về việc di dời hơn 46.000 hộ gia đình sống trên và ven sông rạch, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Hiệp hội Bất động sản, doanh nghiệp cùng tham gia, thể hiện trách nhiệm xã hội để cùng thành phố thực hiện việc này.