Tranh chấp quyền lực tại tập đoàn xây dựng Hòa Bình, vì đâu nên nỗi?

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) với tư cách là cổ đông lớn, sở hữu 17,14% cổ phần, vừa yêu cầu triệu tập ĐHCĐ bất thường để thông qua một số nội dung quan trọng

Cụ thể, ông Hải đề nghị cổ đông thông qua các nội dung gồm: bãi nhiệm một số thành viên HĐQT; thay đổi một số quy định trong điều lệ của công ty; bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới.

Đặc biệt, ông Lê Viết Hải cũng có văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của công ty đã bị nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố không chính xác và diễn giải sai lệch, cũng như các vụ việc liên quan đến tranh chấp quyền lực xảy ra tại tập đoàn.

Ông Lê Viết Hải cho biết Nghị quyết 50 và Nghị quyết 51 đã được ban ngày ngày 14-12-2022 với nội dung chấp chấp thuận chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình của ông từ ngày 1-1-2023 và việc ông rút khỏi tư cách thành viên HĐQT công ty để kỳ họp ĐHCĐ sắp tới xem sẽ không qua.

Cùng với đó, Nghị quyết 50 cũng thông qua thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Còn Nghị quyết 51 thông qua việc bầu ông Nguyễn Công Phú giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Hải từ 1-1-2023.

Tuy nhiên, sau khi ban hành 2 nghị quyết nêu trên thì việc quản trị, điều hành doanh nghiệp đã phát sinh một số bất cập liên quan đến cơ chế hoạt động và vận hành của hội đồng sáng lập. Cụ thể hội đồng sáng lập đang được trao một số quyền hạn có thể ảnh hưởng tới hoạt động độc lập của hội đồng quản trị.

Đồng thời việc thay đổi nhân sự cho vị trí chủ tịch HĐQT có thể dẫn đến không bảo đảm thông suốt mọi hoạt động của công ty tại thời điểm rất cần tết Nguyên đán 2023.

Từ những lý lẽ trên, HĐQT tập đoàn nhận thấy cần thiết phải tạm dừng toàn bộ nội dung Nghị quyết 50 và 51 để cũng cố cơ sở pháp lý và thiết lập vững chắc mô hình quản trị mới, tránh việc gián đoạn trong hoạt động tài chính ngân hàng dịp cuối năm.

HĐQT đã tổ chức cuộc họp ngày 31-12-2022 và ban hành Nghị quyết số 53 với nội dung hoãn thi hành 2 Nghị quyết 50 và 51.

Tranh chấp quyền lực tại tập đoàn xây dựng Hòa Bình, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Theo ông Hải, cuộc họp HĐQT được triệu tập vào 31-12-2022 theo đề nghị bằng văn bản của ít nhất hai thành viên HĐQT phù hợp với điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp. Cuộc họp HĐQT lần một được tổ chức trực tuyến đã không có đủ số lượng thành viên tham dự. Do đó, cuộc họp lần hai đã được diễn ra lúc 13 giờ 30 đến 23 giờ 40 ngày 31-12-2022 với số lượng thành viên HĐQT tham dự là 5/8 thành viên.

Trên cơ sở nội dung trao đổi liên quan đến cuộc họp, các thành viên đã thảo luận và cho ý kiến biểu quyết gồm 3 phiếu biểu quyết tán thành, 1 không có ý kiến và 1phiếu biểu quyết không tán thành. Nội dung cuộc họp theo biên bản đính kèm. Căn cứ vào quy định điều lệ và luật, nên đã ban hành Nghị quyết 53 đã được HĐQT thông qua hợp lệ.

Tranh chấp quyền lực tại tập đoàn xây dựng Hòa Bình, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng gặp gỡ báo chí vào cuối tuần qua

Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị quyết 53 ban hành, phía ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng cả hai đều là Thành viên HĐQT độc lập đã "phản pháo" về nội dung của cuộc họp ngày 31-12-2022 cũng như cho rằng Nghị quyết 53 không hợp lệ.

Đặc biệt, ông Hùng cũng đã nêu ra những dấu hiệu vi phạm về quản lý tài chính mà ông Lê Viết Hải quản trị điều hành. Ông cho rằng việc ông Hải điều hành tập đoàn thời gian qua đã để Hòa Bình rơi vào tình trạng yếu kém, nợ đọng kéo dài….

Đồng thời, ông Nguyễn Công Phú nhấn mạnh ông chỉ muốn đóng góp công sức để đưa tập đoàn Hòa Bình lên tầm quốc tế của Việt Nam vươn xa hơn và lớn mạnh hơn thay vì để tập đoàn "gia đình trị" quản lý yếu kém. Ông Phú cũng "dọa" sẽ khởi kiện nếu ông Lê Viết Hải không "lùi" trước khi kỳ ĐHCĐ sắp diễn ra.

Phản ứng với những phát ngôn của ông Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng, phía ông Lê Viết Hải cho rằng hai thành viên HĐQT độc là ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng đã tổ chức gặp gỡ và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về các thông tin kinh doanh nội bộ của tập đoàn và cố tình "bóp méo", xuyên tạc thậm chí nói ngược với sự thật với động cơ bôi nhọ danh dự, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của lãnh đạo và danh tiếng của Xây dựng Hòa Bình cũng như quyền lợi của cổ đông.

"Động cơ của 2 người trên là để giành quyền kiểm soát tập đoàn để dễ bề thao túng với mục đích trục lợi cá nhân. Không loại trừ động cơ của hành vi này là tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài thấu tóm tập đoàn…." - ông Hải nhấn mạnh.

Phía ông Lê Viết Hải cũng cho biết sẽ gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra, đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của hai ông Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng và các cá nhân đã tiếp tay, giúp sức cho 2 ông trên.

Trong khi tranh chấp quyền lực tại tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chưa có hồi kết thì một cá nhân được cho là cổ đông của tập đoàn tên Huỳnh Ngọc Bảo đã gửi đơn kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế (VAIC) yêu cầu bỏ 3 nghị quyết 50, 51 và 53 vừa do HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ban hành.

Hiện tại, VAIC đang tiến hành các thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định pháp luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng trọng tài.