Tràn lan tách thửa, phân lô bán
Hiện nay, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 các hoạt động kinh doanh, sản xuất bị gián đoạn, nên nhiều nhà đầu tư cho rằng bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và sinh lời hiệu quả. Do đó, mặc dù ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn tăng cao.
Trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung từ các dự án ở trung tâm Hà Nội ngày càng hạn chế và mức giá liên tục tăng cao. Chính vì điều này, các nhà đầu tư lại dịch chuyển về các huyện vùng ven tìm kiếm cơ hội. Do đó, đất nền tại các huyện như Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai,... trở nên sôi động, đặc biệt là đất nền từ các mảnh đất lớn tách thửa.
Thời gian qua, tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), nhiều nhà đầu tư “tay to” đã về tìm kiếm những mảnh đất có diện tích lớn từ 1.000m2 đến vài nghìn m2, sau đó ồ ạt thực hiện tách thửa thành các lô đất có diện tích nhỏ hơn bán.
Đáng chú ý, nhiều lô đất được tách thửa này được quảng cáo là những “siêu phẩm đất nền” hay tự đặt những tên dự án hấp dẫn và cũng được đặt tên các khu giống như dự án của các chủ đầu tư lớn…
Trong vai nhà đầu tư có nhu cầu mua đất, PV được môi giới dẫn tới các ô đất ở thôn Phúc Tiến, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất đang triển khai hạ tầng và thực hiện tách thửa thành từng lô vuông vắn.
Theo lời môi giới, trong ngõ này có 3 khu đất được tách thửa, tương ứng với 3 giai đoạn do công ty cổ phần bất động sản Vinland làm chủ đầu tư. Các ô đất được tách thửa thành 70 – 110 m2, giá giao động từ 13 -18 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Tương tự, tại một thửa đất ở xã Tân Xã (Thạch Thất) được tách thửa thành khoảng 40 lô, diện tích từ 60 - 80 m2, giá từ 16 – 21 triệu đồng/m2, đường rộng khoảng gần 4 m. Đất tại khu vực xã Tân Xã đang được lượng lớn các nhà đầu tư chú ý tới.
Tương tự, trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Sóc Sơn, hàng chục dự án tương tự hiện hữu với những cái tên mỹ miều cũng được căng biển quảng cáo, rao bán khắp nơi.
Các lô đất khu tách thửa có giá dao động từ 12 - 18 triệu đồng/m2. Những lô đất ở vị trí đẹp hơn có giá từ 20 - 25 triệu đồng/m2. Các lô đất ở vị trí đường lớn có mức giá tới 30 - 45 triệu đồng/m2.
Cần ngăn chặn việc tách thửa đầu cơ
Hiện nay, luật đất đai hiện hành, không có quy định riêng đối với trường hợp kinh doanh dự án "phân lô bán nền" không xin phép thành lập dự án đầu tư phát triển nhà ở.
Tuy nhiên, một số Nghị định lại cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Do đó, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở về sự thiếu chặt chẽ và không đồng nhất trong các quy định của pháp luật nhằm trục lợi bằng cách tiến hành thu gom đất nông nghiệp, tiến hành tách thửa với số lượng và quy mô lớn với diện tích vài nghìn m2 đến vài héc-ta. Sau đó phân ra hàng chục đến hàng trăm lô đất rồi sử dụng nhiều chiêu trò tự vẽ và đặt tên dự án "sang chảnh", có vị trí đẹp gần với các siêu dự án sắp triển khai, cơ sở hạ tầng đồng bộ, lợi nhuận hấp dẫn để thuyết phục người mua.
Một mảnh đất tại huyện Thạch Thất được tách thành nhiều lô khác nhau.
Theo giới chuyên gia đánh giá, việc triển khai phân lô bán nền không lập dự án đầu tư nhà ở dẫn đến tình trạng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị. Nếu không có phương án kiểm soát hệ quả trước mắt, sẽ khiến cho người dân địa phương mất nguồn thu nhập trực tiếp từ sản xuất kinh doanh và gây khó khăn trong vấn đề kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa phương.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, những sản phẩm dạng này chính là nguồn cơn đẩy giá, tăng giá tạo ra "sốt đất".
“Việc này mang đến nhiều hệ lụy trong quản lý và nhất là quản lý về tính ổn định, bền vững của thị trường. Thị trường chỉ bền vững khi phát triển dự án phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, công ăn việc, ổn định cho người dân địa phương và địa phương thẩm định, phê duyệt”, ông Đính khẳng định.
Bên cạnh đó, việc tách thửa bán tràn lan còn ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, sẽ vướng nhiều khi triển khai quy hoạch mới, đặc biệt là những địa phương chưa có quy hoạch. Dân chuyển đổi mục đích đất ở nhiều, tăng đột biến về dân số... khi triển khai quy hoạch rất khó khăn.
Do đó, ông Đính cho rằng, cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách "siết" lại hoạt động này, đảm bảo an sinh xã hội và pháp luật của nhà nước không bị lạm dụng.