Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định vừa cho biết chủ trương và thông tin di dời 3 khách sạn nằm ở vị trí "vàng" ven biển TP Quy Nhơn gồm Hoàng Yến, Hải Âu và Bình Dương.
Ba khách sạn án ngữ bờ biển Quy Nhơn sẽ được di dời để trả lại cảnh quan
Muộn còn hơn không
Trong đó, khách sạn Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15 của Bộ Tư lệnh Quân khu 5) có quy mô 6 tầng với 60 phòng ngủ. Hiện, khách sạn này đã hoàn tất thủ tục di dời vào cuối năm 2020. UBND tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường; đồng thời, bố trí khu đất mới tại số 66 Hàn Mặc Tử (TP Quy Nhơn) với diện tích 2.800 m2.
Khách sạn Hải Âu bên bờ biển Quy Nhơn có diện tích 1.400 m2, quy mô 11 tầng với 170 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn 4 sao. Khách sạn Hoàng Yến được xây dựng trên diện tích 5.000 m2 có quy mô 11 tầng với hơn 100 phòng và khu cà phê sân vườn sát biển.
Tại Khánh Hoà, UBND tỉnh cũng giao UBND TP Nha Trang tiếp nhận 21.722 m2 dự án công viên Phù Đổng do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư. Tỉnh cũng đã thu lại hồi hơn 28.000 m2 diện tích đất và 10.000 m2 mặt nước biển của một khu nghỉ mát trả lại bãi biển công cộng ở bãi Dương, đường Trần Phú cho cộng đồng.
Bày tỏ quan điểm về việc di dời khách sạn chắn biển , Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Bình Định là không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển.
"Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để làm công viên, trồng cây xanh phục vụ nhân dân. Tinh thần là không gia hạn thêm nhưng việc di dời, giải tỏa các khách sạn ven biển cần phải có lộ trình phù hợp, đúng quy định để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị"- ông nhấn mạnh.
Ông Đoàn Minh Long - Đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa, đại diện tiếng nói của người dân lên tiếng, việc thu hồi các dự án có công trình chắn biển Nha Trang là mong mỏi từ lâu của người dân. Khi làm đại biểu HĐND 2 khóa, năm nào ông cũng nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri, người dân và các lão thành cách mạng về việc khi nào các công trình chắn biển Nha Trang di dời, khi nào biển Nha Trang mới thực sự dành cho cộng đồng.
Cũng theo ông Long, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cũng nhận được nhiều phản ứng của người dân và du khách về việc một số doanh nghiệp khi được thuê đất đã xây dựng các công trình đồ sộ "ngự trị" ngay bờ biển Nha Trang. Thậm chí một số khách sạn "chiếm" luôn cả bãi tắm để phục vụ kinh doanh. Họ dùng cả dây, cờ cắm mốc để ngăn cản người dân, du khách đi vào khuôn viên riêng của họ, ai xâm phạm đều bị bảo vệ của khách sạn gây khó dễ.
"Như vậy là độc chiếm bãi biển - cái không phải của họ mà là của cả cộng đồng. Những việc này rất phản cảm và làm mất hình ảnh về vẻ đẹp văn minh, thân thiện của phố biển Nha Trang nói riêng và môi trường du lịch Khánh Hòa nói chung" - ông Long nêu quan điểm.
Bài học từ Đà Nẵng
Từ năm 2018, câu chuyện trả lối xuống biển cho cộng đồng được TP Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận và tìm cách tháo gỡ. Đà Nẵng chọn và chi hàng chục tỉ đồng đầu tư 5 lối xuống biển tại Q.Ngũ Hành Sơn, gần các khu nghỉ dưỡng.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cho rằng quá khứ từng không chừa lối xuống biển cho người dân ở một số vị trí, nhưng đáng ghi nhận là Đà Nẵng đã có thái độ thực sự cầu thị, nhận ra và quyết tâm khắc phục.
Đà Nẵng là địa phương tiên phong trả lối xuống biển cho cộng đồng dân cư (Ảnh: LV)
"Qua chuyện trả lại lối xuống biển, chính quyền Đà Nẵng còn thể hiện quan điểm đề cao lợi ích cộng đồng, bãi biển Đà Nẵng không thể chỉ dành cho thiểu số nhà đầu tư và du khách có điều kiện. Và đây còn là một bài học trong quản lý đô thị: Muốn phát triển bền vững, không thể không coi trọng lợi ích cộng đồng", ông Tiếng nhấn mạnh.
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận, khi trình độ dân trí cũng như tầm nhìn của những lãnh đạo địa phương và các cơ quan ban, ngành được nâng lên thì vấn đề trả lại không gian biển cho cộng đồng được đặt ra, nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, những nơi này cần có quy hoạch tốt, tầm nhìn xa để đảm bảo không gian giao tiếp với biển của cộng đồng nhưng lại không lãng phí tài nguyên và phù hợp với tổng thể chung của cả đô thị tiếp giáp với biển.
"Có thể ưu tiên phát triển những công trình dành cho cộng đồng như bảo tàng, thư viện, công viên… ở ven biển để vừa không gây ra nhàm chán, lãng phí không gian, lại đa dạng tiện ích cho thành phố ven biển. Đồng thời, tốt nhất nên có một con đường ngăn cách giữa bãi biển và các dự án bất động sản du lịch, resort để khi đó chủ đầu tư không thể vô tư xem bãi biển như sân vườn nhà mình rồi ngăn cấm người dân vào vui chơi, tắm biển như tình trạng gần đây" - Chuyên gia này lưu ý.