“Cởi trói” thủ tục khi làm hồ sơ đất đai
Trong năm cơ chế mà Tp.HCM đề xuất, một số chính sách đang tạo ra cơ chế đặc biệt cho Tp.Thủ Đức, Tp.HCM.
Cụ thể, UBND Tp.Thủ Đức được thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất, Thanh tra xây dựng và Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức được xem là chính sách có tác động đến thị trường BĐS nhiều nhất.
Tp.HCM cho rằng chính sách trên cho phép tăng số lượng biên chế cấp phó của UBND Tp.Thủ Đức và cấp phòng ban nhằm đáp ứng khối lượng công việc của TP trong TP trực thuộc Trung ương đầu tiên trong cả nước.
TP.Thủ Đức được sáp nhập từ Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức, từ cuối năm 2020. TP.Thủ Đức rộng 210 km2, hơn 1,2 triệu dân đăng ký. Sau khi thành lập TP.Thủ Đức, việc giải quyết hồ sơ đất đai có những lúc bị quá tải, chậm trễ kéo dài khiến người dân khá bức xúc.
Thực tế cho thấy, chỉ tính riêng lĩnh vực hồ sơ về đất đai đã có khoảng 130.000 hồ sơ, chiếm 30% lượng hồ sơ của Tp.HCM, Tp.Thủ Đức buộc phải có những cơ chế riêng cho phép bộ máy hoạt động. Nhìn ra toàn điện, theo các chuyên gia đô thị xã hội, để TP Thủ Đức phát triển, không đơn thuần là xây dựng một bộ máy gồm 3 quận gộp lại.
Cùng với đó, chính sách đề xuất HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong các lĩnh vực quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội; tổ chức, bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và cán bộ, công chức, viên chức… cũng đang cởi trói về cơ chế cho Tp.Thủ Đức.
Mục tiêu là tạo điều kiện cho Tp.Thủ Đức chủ động trong giải quyết các thủ tục hành chính, các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND Tp.HCM. Cơ chế này còn tạo ra sự chủ động trong quản lý điều hành, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của UBND Tp.Thủ Đức dưới sự giám sát của HĐND TP Thủ Đức.
Đây cũng là những kiến nghị mà trước đó trong buổi giảm sát của HĐND TP.HCM với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính nội dung đã được nêu ra.
T ự chủ ngân sách từ nguồn thu sử dụng đất
Trong các cơ chế đề xuất với trung ương, HĐND TP.HCM quyết định giao một số chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành thuộc UBND TP.HCM cho UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thuộc phạm vi địa bàn TP Thủ Đức quản lý.
Theo đó, trong phạm vi các nội dung quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức được ủy quyền cho Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, Chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn, trừ những nội dung đã được TP.HCM ủy quyền.
Đề xuất này sẽ giúp TP chủ động trong công tác quản lý tài chính, ngân sách để có nguồn lực tài chính dồi dào thực thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội để có nền móng cơ sở hạ tầng vững vàng và hiện đại cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân TP về y tế, giáo dục,...
Điều này cũng có ý nghĩa với thị trường BĐS khi ngân sách Tp.Thủ Đức được giữ lại toàn bộ tiền từ nguồn thu sử dụng đất và toàn bộ số vượt thu so với pháp lệnh hằng năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh… để phục vụ chi cho đầu tư phát triển trên địa bàn Tp.Thủ Đức.
Ngay khi thành lập TP Thủ Đức, lãnh đạo Tp.HCM đã nhấn mạnh, Nghị quyết 26 của Thành ủy Tp.HCM cũng đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng Thủ Đức thành Thành phố thông minh, trở thành khu đô thị tương tác cao ở phía Đông.
Tuy nhiên, sau 2 năm thành lập, TP Thủ Đức vẫn chưa phát huy được tối đa các nguồn lực của mình, thậm chí, còn vướng nhiều điểm nghẽn về thẩm quyền mà chỉ có cơ chế tự chủ mới giải quyết và tạo đà bứt phá cho phát triển.
Bước đầu, Tp.HCM đã uỷ quyền cho Tp.Thủ Đức trong 4 lĩnh vực: xây dựng - môi trường - đô thị; kinh tế - ngân sách - dự án; tư pháp; văn hóa - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về đô thị xã hội, về lâu dài, một nghị quyết riêng về mô hình thành phố trong thành phố vẫn là điều mà TP Thủ Đức phải có.