Tp.HCM xây dựng đề án tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định giá đất

Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM có đề xuất lập đề án tháo gỡ 10 khó khăn trong việc xác định giá đất cụ thể tại các dự án bất động sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM đã gửi tờ trình lên UBND Tp.HCM đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn TPHCM”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, thực hiện công tác tham mưu cho UBND thành phố trong việc xác định giá đất, sở nhận thấy nhiều dự án chưa triển khai thực hiện được hoặc đã triển khai nhưng chưa hoàn thiện về pháp lý. Thực tiễn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ những quy định pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp tình hình.

Việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn còn chưa chặt chẽ khiến phát sinh vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể dẫn đến tiềm năng, lợi thế về đất đai của thành phố chưa được khai thác hiệu quả; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế; môi trường đầu tư khó khăn, kéo dài gây bức xúc từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, những vướng mắc pháp lý này đã làm chậm tiến độ thu ngân sách của thành phố, xuất hiện tình trạng người dân tập trung khiếu kiện đông người có khả năng tạo một số điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn.

Được biết, đề án của Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố tập trung tháo tháo gỡ 10 vấn đề: trong việc lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất; việc áp dụng quy hoạch xây dựng chi tiết khi xác định giá đất; các hồ sơ có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sử dụng các thuật ngữ quy định về cơ cấu sử dụng đất “tạm xác định”, các thuật ngữ chưa phù hợp với các quy định pháp luật đất đai;

Về diện tích đất là kênh mương, lối đi xen cài rải rác trong dự án; về các trường hợp chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, dự án kéo dài nhưng được gia hạn tiến độ thực hiện dự án; về dự án có diện tích công trình công cộng là tiện ích nội khu không phải bàn giao cho nhà nước; đối với đất đưa vào làm dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc là đất ở của hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo chế định công nhận quyền sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2013.

Đồng thời, việc xác định giá đất trong quá khứ nhưng không có cơ sở pháp lý buộc chủ đầu tư có nghĩa vụ nộp khoản chậm nộp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, đề án được chấp thuận sẽ tháo gỡ, giải quyết những dự án đầu tư, công trình tồn đọng nhiều năm chưa thực hiện xong, trong đó tập trung vào những vấn đề không phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, gỡ được nhiều điểm nghẽn về đất đai, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, kết nối đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đề án cũng đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của Nhà nước với người dân, nhà đầu tư; không làm phát sinh khiếu kiện phức tạp; gây thiệt hại, lãng phí nguồn lực đất đai; không gây thất thu cho ngân sách.