Theo đó, trong công văn của UBND TP đã phân chia và chỉ đạo thực hiện cụ thể đối với hai nhóm công trình xây dựng trên đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tại địa bàn huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè. Phạm vi chỉ áp dụng đối với các công trình như: chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở; kênh, mương phục vụ tưới tiêu; các cấu kiện lắp ghép để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, công trình xây dựng (có quy mô cấp 4) nhằm mục đích phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (không phân biệt đất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác; không phân biệt chức năng sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt).
Cụ thể, nhóm 1 bao gồm các hạng mục lắp dựng bằng các cấu kiện lắp ghép (dễ tháo dỡ) để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng vật nuôi trong phạm vi ranh đất. Các công trình như chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở được lắp dựng bằng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường như: cây gỗ, tranh, tre, nứa, lá với diện tích không quá 15m2. Khi xây dựng, chủ đầu tư thực hiện trên phần đất thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng phải thông báo đến UBND xã.
Nhóm 2 bao gồm những công trình có quy mô cấp 4 (1 tầng, diện tích nhỏ hơn 1000m2, chiều cao dưới 6m). Chủ đầu tư đề xuất vị trí, diện tích thích hợp trong sơ đồ tổng mặt bằng khu đất kèm theo phương án sản xuất nông nghiệp (mật độ xây dựng không quá 5% diện tích đất).
Khi có nhu cầu thay đổi công năng sử dụng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ đầu tư/người sử dụng đất phải có văn bản thông báo đến UBND huyện để được xem xét có ý kiến chấp thuận hay không bằng văn bản.
Trong công văn này, UBND Thành phố cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè phải thường xuyên kiểm tra rà soát và có văn bản thông báo định kỳ đến UBND TP về quá trình này. Thường xuyên cập nhật biến động với các công trình đã hoàn thành và có văn bản báo cáo sơ kết thực tiễn, đánh giá quá trình thực hiện gửi lên để UBND TP có những hướng tiếp theo để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.