Chủ tịch UBND TP cho biết, trong những năm qua, thành phố phải tiếp rất nhiều đợt thanh tra, kiểm tra liên quan đến các dự án BĐS. Trong quá trình đó, các sở ngành của thành phố phải tiếp, giải trình cho đoàn công tác, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp BĐS. Đồng thời, có một số dự án liên quan đến nhà đất công cũng phải đình lại.
Theo ông Phong, về phía thành phố hay phía Trung ương cũng đều có khó khăn riêng. Còn với các doanh nghiệp, một khi triển khai dự án BĐS mà bị đình lại thì thiệt hại rất nhiều. Trong 20 năm qua, dù có những lúc thăng trầm nhưng BĐS vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Thành phố hiện có 10.200 doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng, trong đó 32% là doanh nghiệp BĐS. Giai đoạn 2016 – 2020, kinh doanh BĐS tăng trưởng 2,9%/năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không ghi nhận tăng trưởng. Lĩnh vực BĐS chiếm 4,2% GRDP của thành phố. Các doanh nghiệp BĐS đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách, vào khoảng 8,2% tổng thu nội địa. Vì vậy, ông Phong cho rằng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp BĐS cũng chính là giúp cho Tp.HCM phát triển về kinh tế.
Đối với các dự án BĐS hiện đang bị ách tắc, Chủ tịch UBND Tp.HCM yêu cầu Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cùng lãnh đạo các sở, ngành trong khối đô thị giải quyết, sau đó có kết luận cụ thể từng vấn đề rồi báo cáo Thường trực UBND TP.
Ông Phong chỉ đạo phải tháo gỡ cho được, các sở thấy vấn đề nào chưa rõ, cần dứt khoát phải ngồi bàn với nhau cho ra. Những vấn đề trong thẩm quyền của thành phố thì sẽ xử lý, còn vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương quyết định thì phải xin ý kiến.
Trong thẩm quyền của thành phố, ông Phong đề nghị các sở ngành nghiên cứu thật kỹ hồ sơ từng trường hợp, mời doanh nghiệp lên một lần để thông báo đầy đủ khó khăn vướng mắc chỗ nào để xử lý, tránh để doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, tạo tâm lý không ổn. Từ nay đến 15/4, các sở ngành cần giải quyết xong các dự án đang ách tắc.