Tại chương trình làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM mới đây, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM Võ Trung Trực thông tin: Giai đoạn 2016-2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM tiếp nhận hơn 2.900 đơn khiếu nại, tố cáo - tăng 78,8% so với giai đoạn 2010-2015 (1.624 đơn), tập trung vào lĩnh vực đất đai như: cấp giấy chứng nhận, thu hồi đất, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM, hiện nay, số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đất đai rất lớn (trung bình trên 600.000 hồ sơ/năm), chưa kể việc cung cấp thông tin đất đai, bản đồ, thống kê, kiểm kê đất đai. Các hồ sơ này mang giá trị cao và là tài sản quan trọng của người sử dụng đất, hồ sơ lưu trữ liên quan đến đất đai đều có thời hạn vĩnh viễn nhưng trụ sở làm việc, kho lưu trữ lại hạn chế.
Hiện nay 80% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai và Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó, 75% là khiếu nại, tố cáo có phần đúng. Mà nguyên nhân phần lớn liên quan đến thể chế, chính sách có nhiều bất cập.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn nhìn nhận việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai còn nặng về mệnh lệnh hành chính, nhiều quyết định chưa thấu tình đạt lý; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật còn thiếu kiên quyết, dẫn đến vụ việc không dứt điểm được, khiếu kiện kéo dài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, công tác quản lý đất đai ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Ở cấp huyện, xã - nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân, trình độ, năng lực cán bộ còn hạn chế, cơ cấu, tổ chức hay bị thay đổi. Mặt khác, nhiều vụ việc dù đã được cơ quan chức năng rà soát, giải quyết đúng chính sách pháp luật, có lý, có tình, đối thoại, vận động nhưng người dân vẫn khiếu nại kéo dài, thậm chí có trường hợp phản ứng tiêu cực, bị lôi kéo, kích động gây rối, khiếu kiện đông người làm mất an ninh trật tự.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM kiến nghị Quốc hội sửa đổi những quy định có liên quan nhằm giải quyết những bất cập của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật việc ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo để làm cơ sở xử lý những trường hợp vi phạm, như: trách nhiệm của người khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật; khiếu nại, tố cáo đã được hướng dẫn và giải quyết đúng quy định pháp luật nhưng vẫn tiếp tục gửi đơn tới nhiều cơ quan, đơn vị…
Khó khăn trong giải quyết đơn thư là nhiều hồ sơ nhà đất phức tạp, có quá trình quản lý và sử dụng qua nhiều thời kỳ. Như nhiều đơn khiếu nại nhà đất đối với quyết định cũ, có trường hợp bẵng đi mấy chục năm còn đòi lại nhà khiến công tác thẩm tra, xác minh rất mất thời gian; việc lưu trữ hồ sơ hiện ở nhiều nơi, không còn đầy đủ, có nhiều vụ việc nhờ trích lục toàn bộ hồ sơ gốc cũng không đủ vì thiếu giấy tờ pháp lý…
#/tphcm-don-thu-khieu-nai-to-cao-lien-quan-den-dat-dai-tang-manh-trong-6-nam-qua-20220304094828508.chn