Theo đó, tính đến hết ngày 31/7, Tp. HCM đã giải ngân 20.059,960 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 47,6% tổng kế hoạch vốn đã giao (42.139,316 tỉ đồng), cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ.
Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và số vốn đã chi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng là 1.470,199 tỉ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,1% kế hoạch vốn đã giao là 42.139,316 tỉ đồng.
Theo Thành ủy Tp.HCM, so với yêu cầu của Chính phủ, của lãnh đạo thành phố và bối cảnh hiện nay thì kết quả giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa trở thành nhân tố then chốt để vực dậy kinh tế Tp.HCM. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn thành phố còn chậm, kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn.
Đồng thời, công tác triển khai thực hiện và giải ngân vốn ODA vay lại của các dự án còn vướng về mặt thủ tục. Trong đó, khó khăn lớn nhất chủ yếu đến từ Dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên với kế hoạch vốn ODA vay lại được giao là 9.946,1 tỉ đồng (chiếm gần 30% tổng kế hoạch vốn) nhưng đến nay chỉ giải ngân được khoảng 41% kế hoạch.
Trong thời gian tới, Tp.HCM sẽ đẩy mạnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện các dự án đầu tư công.
Cụ thể, phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng… Từ đó, lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết trong tổ công tác liên ngành về đầu tư của thành phố.
Mặt khác, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất.
Đồng thời, chính quyền thành phố cũng rà soát các quy định liên quan đến xây dựng, các thủ tục về thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán theo hướng đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian, thủ tục; thay thế Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 của UBND TP quy định về quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công của Tp.HCM; rà soát, đề xuất điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.