Tp.HCM chỉ đạo theo dõi chặt chẽ gỡ khó cho thị trường BĐS

Mới đây, UBND Tp.HCM có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức triển khai kịp thời nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến thị trường BĐS. Theo dõi nắm bắt thông tin thật chặt, tình hình diễn biến của thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức triển khai kịp thời nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến thị trường BĐS, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng BĐS.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS, các dự án BĐS có vi phạm xây dựng, không thực hiện bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát các dự án BĐS đã được UBND TP quyết định giao đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Quyết định 04/QĐ-TT ngày 10/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, đặc biệt là các dự án BĐS nhà ở cao cấp.

Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết báo cáo TP để thu hồi. Tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án chậm tiến độ do vướng pháp lý về đất đai, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất…

Sở Tài Chính phối với Sở Xây dựng báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô dưới 10ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Tham gia, đề xuất giải quyết quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trình UBND TP.

Giao Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi phê duyệt các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao… theo quy định. Dành quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, các dự án phát triển nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Phối hợp và hướng dẫn UBND quận, huyện thực hiện rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung, công bố công khai toàn bộ quy hoạch chỉnh trang phát triển đô thị của TP phù hợp với thực tế và đảm bảo theo quy định, đặc biệt về công tác quy hoạch cần quan tâm quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, UBND TP chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Tp.HCM tăng cường theo dõi, kiểm tra việc cấp tín dụng trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS của hệ thống ngân hàng thương mại đối với các dự án BĐS, nhất là đối với các dự án BĐS cao cấp, có quy mô lớn và các chủ đầu tư BĐS có nhiều dự án vay vốn ngân hàng nhằm nắm bắt tình hình dư nợ và kịp thời có giải pháp hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, theo dõi chỉ đạo các ngân hàng thương mại quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng vào lĩnh vực BĐS, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghĩ dưỡng và đầu cơ BĐS.