TPHCM: Căn nhà 10 tỉ giảm xuống còn 7 tỉ, người mua vẫn sợ "hớ"

Có thời điểm khi giá trị căn nhà, mảnh đất giảm mạnh, người mua vẫn chưa chịu xuống tiền, vì nghĩ giá còn đắt. Ngược lại, thời điểm sốt, giá tăng nhanh thì người người, nhà nhà đi mua bất động sản.

Mới đây, tại một khu đô thị thuộc Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) rao bán một số căn nhà liên kế với mức giảm từ 1-3 tỉ đồng so với giá rao giai đoạn đầu năm 2022. Đây được xem là mức giá giảm mạnh nhất tính từ thời điểm năm 2014 trở lại đây.

Thời điểm cuối năm 2022, căn nhà 100m2 kết cấu 1 trệt 2 lầu thuộc khu đô thị này đang rao bán với giá 9 tỉ đồng, giảm 1 tỉ đồng so với giá chung khu vực. Đến hiện tại, sau nhiều lần rao bán không thành công, căn nhà tiếp tục hạ giá còn 7 tỉ đồng, tức giảm 3 tỉ đồng.

Thế nhưng, khi môi giới dẫn khách vào xem căn nhà, dù khá ưng nhưng vị khách này cho rằng: Giá còn cao, muốn thương lượng thêm với chủ nhà. Theo môi giới, khá nhiều khách hàng tìm hiểu căn nhà và lo sợ “bị hớ” với mức giá chủ nhà đưa ra. Họ tiếp tục trả giá xuống. Tuy vậy, không phải giá nào chủ nhà cũng bán.

“Việc nhà đầu tư hạ giá vài tỉ đồng là chấp nhận hoặc thu lại vốn, hoặc lỗ hết phần lợi nhuận đầu tư từ trước đến nay. Với những nhà đầu tư mới mua bất động sản cách đây 1-2 năm, khi bán với giá này xem như là bán lỗ”, nam môi giới này cho biết.

Cùng khu vực, một số căn nhà đang chào giá thấp hơn 500 triệu đến 1.5 tỉ đồng/căn so với giá rao thời điểm đầu năm 2022.

Dù giá giảm mạnh nhưng sức cầu khá yếu. Nhiều người ở trạng thái “tìm hiểu” và cho rằng, giá trên còn tiếp tục xuống nữa. Theo đó, họ chưa quyết định mua ngay ở thời điểm này. Đây được xem là động thái “ngược” của người mua nhà, khác hẳn so với thời điểm bất động sản nóng sốt. Hiện nay, dù đã nhìn rõ sự xuống giá của bất động sản nhưng nhiều người không mua. Nhưng rất có thể, sau khi bất động sản hồi phục, cũng bất động sản này, giá trên đà tăng thì nhóm người này sẽ vào mua.

Giải thích về điều này, một nhà đầu tư lâu năm tại khu Đông Tp.HCM cho rằng, đó là tâm lý dễ hiểu, nhất là đối với những người mua ở thực hoặc nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Khi thị trường sôi động, họ bị cuốn theo nhịp thị trường về giá, về giao dịch, ít xem xét được kỹ sản phẩm. Trong khi thị trường chậm, người mua có xu hướng xem và mua trong thận trọng. Tâm lý của đa số là chờ giá giảm tiếp mới xuống tiền. Điều này vừa tốt, vừa có thể mất đi cơ hội mua được bất động sản mà họ đã “ngắm nghía” trước đó.

Thị trường bất động sản ghi nhận những bất động sản giá trị cao giảm giá mạnh. Các bất động sản ở tầm giá từ 10-30 tỉ đồng đang rao bán khá nhiều, mức giảm vài tỉ đồng/sản phẩm. Đây cũng là phân khúc yếu thanh khoản, chủ yếu do nhà đầu tư ngộp tài chính rao bán lại. Đối tượng khách hàng kén nên việc ra hàng phân khúc này càng khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang từng nhấn mạnh, thời điểm này, phân khúc bất động sản giá từ 10-20 tỉ đồng/căn sẽ khó ra hàng. Loại hình này đang giảm giá từ 20-30% so với giá thị trường giai đoạn cuối năm 2021.

Đây cũng là phân khúc theo vị chuyên gia này phục hồi chậm hơn khi thị trường bất động sản quay trở lại. Làn sóng giảm giá có thể diễn ra từ nay đến hết năm 2023.

Trước đó, chia sẻ trong buổi toạ đàm, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam dự đoán, trong thời gian tới, phân khúc bất động sản cao cấp có thể sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất về giá. Giá bán có thể giảm ở thị trường thứ cấp. Những áp lực tài chính, lãi suất, nguồn vốn… khiến nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt” với chính tài sản của mình. Tỉ lệ các nhà đầu tư cá nhân rao bán tài sản ngày càng gia tăng trên thị trường.