Theo dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS TPHCM sẽ được tiếp thêm sức mạnh từ tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông. Theo đó, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, 3 điểm nóng của thị trường BĐS TPHCM trong thời gian tới sẽ tập trung tại 3 khu vực: Thành phố Thủ Đức, 5 huyện lên quận và khu vưc có 26.000ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất công nghiệp, thương mại.
Cụ thể, điểm nóng mới thứ nhất là TP Thủ Đức. TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp các quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. TP Thủ Đức sẽ có dân số hơn 1 triệu người, là khu đô thị sáng tạo gồm: khu công nghệ cao, cụm đại học phía Đông; đường vành đai 3; Metro Số 1, Khu đô thị mới Thủ Thiêm... sẽ được quy hoạch thành trung tâm tài chính tương lai.
Khi gộp lại 3 quận (quận 2, quận 9, Thủ Đức), TP Thủ Đức tương lai sẽ là nơi có nhiều dự án khu đô thị nhất TP HCM. Trong vòng 5-10 năm tới, khu vực này sẽ có nhiều loại hình bất động sản hơn, cũng là điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ. Nổi bật là quận 9 đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm TP cũng như các tỉnh miền Đông Nam bộ. Môi trường sống tại đây trong lành, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới rót vốn đầu tư, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân liên tục gia tăng.
Điểm nóng thứ 2 là đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Bốn huyện vùng ven này với quỹ đất lớn được dự báo sẽ sớm được chuyển đổi lên quận và nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở trong bối cảnh thị trường BĐS TPHCM đang khan hiếm nguồn cung.
Được biết, huyện Củ Chi có diện tích 43.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 14.000 ha chiếm 32% nhưng theo dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% hộ dân làm nông nghiệp. Tại huyện Hóc Môn, diện tích đất là gần 11.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.200 ha chiếm 21% nhưng theo dự báo đến năm 2025 chỉ còn 0,6% hộ dân, đến năm 2030 còn hơn 600 người làm nông nghiệp.
Bình Chánh là huyện có diện tích đất là 25.000 ha, đất nông nghiệp là 7.900 ha chiếm 31%. Đến năm 2025, theo dự báo, huyện này chỉ còn 0,4% hộ dân tại đây sản xuất nông nghiệp. Huyện Nhà Bè có diện tích hơn 10.000 ha, trong đó đất nông nghiệp còn 350 ha -chiếm 3%, đến năm 2025 chỉ có 109 hộ làm nông nghiệp chiếm tỉ lệ 0,1%.
Trong khi đó, huyện Cần Giờ có diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm 60%, đến năm 2025 còn khoảng 3.000 hộ làm nông nghiệp, chiếm 18% số hộ. Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM còn tỷ lệ người làm nông nghiệp phù hợp với cơ cấu của một huyện.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành "đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường" gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới.
Điểm nóng thứ ba theo ông Châu là khu vực 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020; "Thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp. Với quỹ đất rộng lớn này, thị trường BĐS sẽ chứng kiến sự bùng nổ nguồn cung BĐS mới", ông Châu nhấn mạnh.
Trong tương lai dân số TP tăng lên con số 20 triệu dân, do đó bây giờ cho phép chuyển đổi diện tích lớn đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, đô thị như vậy sẽ tránh hiện tượng khan hiếm giả tạo về nhà đất. Việc chuyển đổi này sẽ giúp cho quy hoạch các khu đô thị không rơi vào tình trạng tủn mủn, vụn vặt thiếu đến đâu chuyển đổi đến đó.