Ngày 25-9, Thường trực HĐND TP HCM giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP HCM đối với Sở Xây dựng.
Tại buổi giám sát, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương đề nghị Sở Xây dựng đưa ra các giải pháp để giải quyết các quyết định xử phạt vi phạm hành chính tồn đọng qua các thời kỳ.
Ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, thông tin đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở và UBND TP HCM ban hành thì đơn vị đôn đốc thường xuyên để thực hiện các quyết định này trong thời gian sớm nhất. Còn lại, trường hợp quyết định xử phạt mà UBND quận, huyện TP Thủ Đức ban hành thì địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện.
Thanh tra Sở cũng thường xuyên cập nhật số liệu và đề nghị địa phương thực hiện các quyết định. Tuy vậy, các quận, huyện rất khó khăn vì liên quan đến kinh phí cưỡng chế và vi phạm qua các thời kỳ. "Bây giờ phải phân loại, đánh giá, có những trường hợp vi phạm có quyết định xử lý vi phạm những năm trước đây, theo đối chiếu quy định bây giờ được tồn tại, tạm duy trì. Vì vậy, các quận huyện phải rà soát, xử lý" – ông Trương Công Nam nói.
Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng dẫn chứng tại huyện Bình Chánh, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy trước đây thì vẫn còn trên dưới 10.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ trước đến nay chưa được xử lý.
"Sở Xây dựng cũng hướng dẫn cho các quận, huyện phân loại theo từng giai đoạn, quy định pháp lý, có trường hợp phù hợp quy hoạch, mục đích sử dụng đất, quy hoạch đô thị thì phân loại theo thời điểm, có những công trình thời điểm đó vi phạm nhưng căn cứ quy định bây giờ thì cho tạm duy trì, tồn tại…" – ông Trương Công Nam nói thêm.
Trước đó, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM cho biết từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, tổng số trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở là 78 trường hợp.
Tổng số tiền xử phạt thu được là gần 5,5 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 97,6%); đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 63/78 trường hợp.
Tổng số trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND TP HCM là 13 trường hợp, tổng số tiền xử phạt thu được hơn 1,8 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 94,4%); đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 5/13 trường hợp.
Theo Sở Xây dựng, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23/2019 của Thành ủy TP HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn là 3.085 công trình, bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 80,2% so với trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23/2019.