Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình về việc báo cáo tình hình tổ chức soạn thảo và xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, về đầu tư công, trong dự thảo luật quy định, HĐND TP. Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị ; Dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng, trừ dự án quy định tại điểm a khoản này;
Dự án sử dụng ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài giao thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách;
Các dự án đầu tư công bằng vốn ngân sách của TP. Hà Nội tại địa bàn tỉnh khác hoặc dự án liên tỉnh nằm trong vùng Thủ đô ; các dự án vừa sử dụng ngân sách của Trung ương bổ sung có mục tiêu và ngân sách của TP. Hà Nội phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các dự án do ngân sách Trung ương bảo đảm và ủy quyền cho TP. Hà Nội làm chủ đầu tư dự án.
Về đầu tư tư nhân, UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các dự án dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; khu công nghệ cao (khoản 3, 4 Điều 45).
Dự thảo luật quy định giao một số thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công và chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư tư nhân thuộc thẩm thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng cho các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội, đặc biệt đối với các các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội được quy định: dự án đường sắt đô thị không hạn chế về quy mô vốn, các dự án khác thì hạn chế ở mức 20.000 tỷ đồng (theo Luật Đầu tư công, dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên thuộc thẩm quyền của Quốc hội).
Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội cho biết, đây là nội dung quan trọng, theo ý kiến của Hà Nội đề xuất thì không giới hạn về mức vốn, tuy nhiên ý kiến một số bộ, ngành và được Bộ Tư pháp tiếp thu thì cần có giới hạn tối đa về mức vốn trên 10.000 tỷ đồng. Dự thảo của Bộ Tư pháp trình xác định mức vốn tối đa là 20.000 tỷ đồng, trừ dự án đường sắt đô thị thì không quy định mức vốn tối đa.
Do vậy, Ban cán sự Đảng TP. Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến về nội dung này để nghiên cứu đưa vào báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, về việc mức vốn vay của TP. Hà Nội tiếp thu ý kiến tại phiên họp Thường trực Chính phủ và Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã điều chỉnh quy định này theo hướng mở rộng nguồn vay của thành phố, trong đó bổ sung việc thành phố được vay lại nguồn vay từ trái phiếu Chính phủ và không hạn chế ở mức dư nợ 120% tổng ngân sách của thành phố được hưởng theo phân cấp. Mức cụ thể hằng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng giao.
Mục đích của quy định này nhằm cho phép Thủ đô có thể huy động nguồn tài chính lớn trong một thời kỳ nhất định để phục vụ mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông quan trọng của Thủ đô như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai, các công trình trọng điểm của Thủ đô và cả nước.
Đây là quy định quan trọng, liên quan đến khả năng tổ chức thực hiện, trả nợ của ngân sách thành phố. Nội dung quy định này mới được tiếp thu, điều chỉnh sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ.
Vì vậy, Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo về quy định này để UBND TP. Hà Nội trao đổi, thống nhất với Bộ Tư pháp xem xét, tiếp thu.
Ngoài ra, về thực hiện hình thức hợp đồng BT bằng quỹ đất được Chính phủ thống nhất đưa vào dự thảo luật, tuy nhiên cũng lưu ý việc phải nghiên cứu có quy định chặt chẽ, khả thi. Do đó, đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung lĩnh vực triển khai theo hình thức BT, nguyên tắc chỉ thực hiện BT khi khó khăn về đầu tư công, thời điểm thanh toán bằng quỹ đất, thời điểm xác định giá trị quỹ đất.