Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ là ba con phố có giá đất “lập đỉnh” ở Thành phố Hồ Chí Minh theo bảng giá đất điều chỉnh mới nhất. Trước đó, giá thuê mặt bằng tại Đồng Khởi lọt top cao nhất hành tinh.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến dự thảo về ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND Thành phố về bảng giá đất trên địa bàn. Đây là bảng giá đất điều chỉnh nhưng chưa áp dụng từ ngày 1/8/2024. Tổng cộng có 4.565 tuyến đường, tăng 557 tuyến so với bảng giá đất hiện hành.
Theo bảng giá điều chỉnh, giá đất ở đô thị cao nhất của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là 810 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm Thành phố như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… (Quận 1). So với bảng giá đất hiện hành, giá đất dự kiến này đã tăng gấp 5 lần, lên 648 triệu đồng/m2. Đây đều là những con phố có lịch sử lâu đời, nổi tiếng là con đường đắc địa và đắt đỏ nhất Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện giá thuê mặt bằng ở những con phố này khá đắt đỏ. Như đường Đồng Khởi đang giao động từ khoảng 2,5 triệu đến 8 triệu đồng mỗi mét vuông mỗi tháng, tuỳ thuộc vào vị trí cụ thể và diện tích thuê. Các mặt bằng có vị trí đẹp và diện tích lớn thường có giá cao hơn. Tuy nhiên mức giá 8 triệu đồng/m2 thường áp dụng cho các mặt bằng có vị trí đắc địa, thường là góc hai mặt tiền hoặc nằm gần các khu thương mại sầm uất.
Với giá thuê đó, năm 2023 đường Đồng Khởi (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đã lọt vào danh sách top 13 nơi có giá thuê mặt bằng đắt đỏ nhất thế giới theo báo cáo từ Cushman và Wakefield. Song những thương hiệu lớn trên thế giới như Louis Vuitton, Dior, Hublot vẫn sẵn sàng chi hàng chục nghìn USD mỗi tháng để có được những vị trí đắc địa trên tuyến đường này.
Bên cạnh những mặt bằng được nhiều thương hiệu săn đón, vẫn còn nhiều mặt bằng bị bỏ trống, cửa hàng ngừng kinh doanh cả năm nay nhưng giá thuê vẫn không “hạ nhiệt”.
Dù là những tuyến đường sầm uất và đắt đỏ nhưng ở đây được trồng rất nhiều cây xanh nhằm cải thiện môi trường sống, tạo không gian thư giãn cho người dân, thu hút khách du lịch. Điều này rất phù hợp với chính sách quy hoạch đô thị của thành phố, giúp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững.
Một số tuyến đường lân cận như Phan Bội Châu dự kiến là 348 triệu đồng/m2 (tăng 278,4 triệu đồng/2); đường Phan Chu Trinh dự kiến là 440 triệu đồng/m2 (tăng 352 triệu đồng/m2); đường Phạm Hồng Thái có giá 418 triệu đồng/m2 (tăng 334,4 triệu đồng/m2)…
Lý do khiến Sở Tài nguyên và Môi trường định giá lại đất ở Thành phố Hồ Chí Minh là vì trên địa bàn có một số tuyến đường theo bảng giá cũ chỉ 1 - 2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá giao dịch thực tế lên đến 100 - 200 triệu đồng/m2. Do đó, chính quyền thành phố cần điều chỉnh lại để có bảng giá phù hợp nhất sử dụng trong giai đoạn này.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bảng giá đất lần này là bảng giá điều chỉnh, thành phố chưa xây dựng bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024. Việc điều chỉnh bảng giá đất gồm 7 bước và Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành 6 bước.
Bảng giá điều chỉnh hiện nay là điều chỉnh giá cũ, cập nhật giá đất giao dịch hiện hành, giá bồi thường đã được phê duyệt, giá cụ thể diễn biến trên thị trường để đảm bảo không gây thất thoát trong bối cảnh bảng giá cũ quá thấp. Bảng giá đất mới sẽ được xây dựng và áp dụng từ ngày 1/1/2026.